|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng cố thủ lãi suất vì lo dự phòng thanh khoản

07:05 | 23/09/2016
Chia sẻ
Dù thừa tiền, nhưng các ngân hàng vẫn nhìn nhau, không dám hạ lãi suất vì lo dự phòng thanh khoản và sợ mất khách. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay đang có sự phân hóa mạnh mẽ.

Dư thanh khoản chỉ là tạm thời

Từ đầu tháng 9 đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã thông báo tăng lãi suất huy động, như VPBank, VietCapital Bank, Eximbank… Lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất đã lên tới 8,2%/năm. Thậm chí, tại nhiều ngân hàng, hiện tượng lách trần lãi suất (nhất là với tiền gửi USD) diễn ra khá công khai. Ở chiều ngược lại, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại thấp kỷ lục, chỉ dưới 1%, cho thấy thanh khoản của hệ thống khá dư thừa.

Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa thực ra không quá bất ngờ. Tại buổi họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tuần qua, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, thanh khoản hiện tại tuy dư thừa, song đó chỉ là tạm thời.

 3046

Không quá bất ngờ khi các ngân hàng tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống đang dư thừa. Ảnh: Đức Thanh

“Tín dụng đang phục hồi, nên về dài hạn, nguồn vốn huy động vẫn có nguy cơ thiếu. Chưa kể, ngân hàng đang rất cần vốn cho mục đích dự phòng rủi ro tín dụng và thực hiện các quy định mới về an toàn vốn. Thực ra, với thanh khoản hiện nay, ngân hàng chúng tôi hoàn toàn có khả năng giảm nhẹ lãi suất huy động, song vì nhiều ngân hàng lớn khác không giảm, nên nếu giảm, chúng tôi vẫn phải giữ ổn định để đảm bảo nguồn tiền gửi an toàn, nếu không sẽ mất thị phần, mất khách hàng”, Giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay.

Nhận định lý do tăng lãi suất của một số ngân hàng thời gian gần đây, vị lãnh đạo này cho rằng, các ngân hàng trên tăng lãi suất không phải vì thiếu thanh khoản, mà chủ yếu để cạnh tranh tăng thị phần hoặc dự phòng thanh khoản, chuẩn bị nguồn vốn cho mùa cao điểm tín dụng cuối năm.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, tuy lãi suất liên ngân hàng giảm, nhưng lãi suất huy động vốn trên thị trường dân cư không giảm bởi tín dụng đang tăng trưởng tốt. Hơn nữa, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, nên các ngân hàng cần trích lập dự phòng nợ xấu cao. Chưa kể, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay (5,5%/năm) là khá phù hợp với kỳ vọng lạm phát đang ở mức 4 - 4,5%. Nếu lãi suất huy động xuống quá thấp, tiền sẽ có nguy cơ chảy ra khỏi ngân hàng.

Một nguyên do nữa khiến lãi suất khó giảm là thanh khoản hệ thống tuy đang khá tốt, song không phải quá dồi dào. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) bình quân của hệ thống hiện nay ở mức hơn 80%, tuy tốt hơn so với trước đây (LDR lên tới trên 100%), song không phải là quá dư giả. Vì vậy, ngân hàng vẫn cần tăng huy động vốn để giảm LDR.

Phân hóa lãi suất cho vay

Thống kê của NHNN cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, thậm chí có giảm nhẹ. Song việc một số ngân hàng nhấp nhổm tăng lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, bởi hiện tỷ suất sinh lời của nhiều doanh nghiệp chỉ dưới 10%, trong khi lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dù giảm lãi suất là mong muốn của Chính phủ và NHNN, song với những xu hướng tăng tín dụng và quan trọng hơn là những biến động liên tục trên thị trường tài chính, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động để củng cố thanh khoản là điều dễ hiểu. Cũng chính vì vậy, lãi suất cho vay thời gian tới chỉ có thể kỳ vọng ổn định, chứ khó có thể giảm.

Chuyển biến rõ nét nhất về lãi suất, theo giới chuyên gia, là mặt bằng lãi suất cho vay đang có sự phân hóa mạnh. Theo đó, nhóm doanh nghiệp tốt hiện nay chỉ phải chịu lãi suất cho vay 7 - 8%/năm với kỳ hạn ngắn và 8 - 9%/ăm với kỳ hạn dài, trong khi đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu lãi suất lên tới 11 - 12%/năm.

Chính ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng xác nhận, tuy mặt bằng lãi suất cho vay nói chung chưa giảm, song với nhóm doanh nghiệp tốt, lãi suất cho vay đã giảm mạnh.

Lý giải thêm về nguyên nhân phân hóa lãi suất, đặc biệt là phân hóa lãi suất với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, đây là nhóm khách hàng rất rủi ro, nên các ngân hàng buộc phải áp lãi suất cho vay cao hơn để dự phòng.

Có thể nói, trong bối cảnh ngân hàng “thắt lưng, buộc bụng” để vừa nỗ lực cho vay, vừa tái cơ cấu, thì kỳ vọng giảm thêm lãi suất là rất khó. Đại diện phía NHNN, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN đã nhận định việc giảm lãi suất là rất khó. Do vậy, việc giữ được mặt bằng lãi suất ổn định từ đầu năm đến nay là thành công lớn và đây cũng là tiền đề để ngân hàng giảm thêm lãi suất trong thời gian tới, nếu có điều kiện.

Theo Hà Tâm

Báo Đầu Tư