Nga, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về mua vàng
Finacial Times mới đây đăng tải báo cáo trích dẫn từ Hội đồng vàng thế giới cho biết, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang mua vào rất nhiều vàng, đạt con số kỷ lục lên tới 374 tấn vàng, ước tính trị giá 15,7 tỷ USD, chiếm 1/6 tổng nhu cầu vàng kể từ đầu năm 2019.
Trữ vàng đang trở thành xu hướng của thế giới.
Nga và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia đi đầu trong phong trào mua vàng tích trữ.
Ngân hàng Trung ương Nga đã dự trữ 96,4 tấn vàng trong tháng 1/2019. Cơ quan này xác nhận tuần trước rằng tổng trữ lượng vàng của Nga đã đạt 100,3 tỷ USD vào ngày 1/7. Đồng thời, Trung Quốc trong 6 tháng qua cũng đã mua 74 tấn kim loại, theo số liệu hồi tháng 5/2019.
Các ngân hàng trung ương của các quốc gia này và các nước khác đã theo kịp xu hướng của năm ngoái. Năm 2018, họ đã mua được nhiều kim loại quý hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1971 khi Mỹ từ bỏ tiêu chuẩn vàng.
Đây được cho là các nỗ lực nhằm đa dạng hóa dữ trữ ngoại hối của mình sau khi bị Mỹ gây sức ép lên nền kinh tế của hai nước này. Việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD sẽ khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ ít có tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế của Nga và Trung Quốc.
Giới phân tích Mỹ hiểu rõ, Nga và Trung Quốc đang mua nhiều vàng hơn nhằm thay đổi luật chơi trong nền kinh tế toàn cầu, bằng cách ngăn chặn quyền bá chủ của đồng dollar.
Tháng trước, Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về tăng thương mại tiền tệ quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào đồng dollar, với tổng giao dịch sử dụng cơ chế này dự kiến sẽ tăng lên tới 50% trong những năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cáo buộc Mỹ sử dụng đồng dollar như một công cụ gây áp lực đối với các quốc gia khác và cho rằng cần phải xem xét lại vai trò toàn cầu của loại tiền này.
Bên cạnh Nga và Trung Quốc thì Ba Lan cũng đang tích cực tích trữ vàng. Động thái của Ba Lan được cho là do các tác động của kinh tế toàn cầu như thương chiến Mỹ- Trung Quốc, căng thẳng Mỹ- Iran và cuộc khủng hoảng tan vỡ EU từ phong trào Brexit mang lại.
Xu hướng đầu tư vào vàng cũng được các nhà đầu tư ủng hộ và lựa chọn các quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng (ETF). Họ đang bị thúc đẩy bởi lập trường mềm mỏng của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu về việc hạn chế bán kim loại quý, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và giá cả tăng cao.
Các quỹ niêm yết ở Anh đã mua 3/4 sản phẩm vàng được giao dịch. Xu hướng đầu tư vào vàng được lựa chọn như kênh an toàn trong tình hình nước Anh đối mặt với một cuộc khủng hoảng từ vị Thủ tướng mới cho tới phong trào Brexit ly hôn khỏi châu Âu.