Nền kinh tế Nga bắt đầu tổn thương vì dịch SARS-Cov-2
Xuất khẩu hàng hóa Nga sang Trung Quốc suy giảm 1/3
Hôm 20-2, Nga thông báo tạm dừng cho phép nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc sang Nga làm việc, học hành và du lịch. Đây một trong những bước đi quyết liệt nhất của Nga để ngăn ngừa dịch SARS-Cov-2 xâm nhập vào nước này. Tính đến nay, Nga chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm virus SARS-Cov-2 bao gồm hai công dân Trung Quốc (đã được điều trị và xuất viện) và 3 công dân Nga bị nhiễm virus này trên tàu du lịch Diamond Princess ở cảng Yokohama (Nhật Bản).
Cuối tháng 1, Điện Kremlin quyết định đóng cửa 16 trong số 25 cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau đó, Nga dừng cấp thị thực điện tử cho công dân Trung Quốc, dừng hầu hết các chuyến bay và chuyến tàu đến và đi từ Trung Quốc đồng thời hoãn tổ chức Diễn đàn Đầu tư Nga ở khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen hồi giữa tháng 2, một sự kiện được kỳ vọng thu hút đông đảo doanh nghiệp Trung Quốc tham dự. Hồi đầu tháng 2, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nói Nga có thể trục xuất bất cứ công dân nước ngoài nào bị phát hiện dương tính với virus SARS-Cov-2.
Song những biện pháp hạn chế đi lại và giao thương biên giới nói trên cũng áp đặt rủi ro kinh tế lớn cho Moscow. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngach thương mại hai chiều đạt mực kỷ lục 110 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Giới chính trị cầm quyền Nga trong những năm qua cổ vũ mối quan hệ kinh tế thắt chặt với Trung Quốc để chống lại sức ép kinh tế của phương Tây.
Thương mại và đầu tư giữa hai bên tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Moscow và Bắc Kinh lắp đặt các đường ống dẫn dầu khí và những cây cầu kết nối biên giới hai nước.
Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Nga chỉ đạt 1,3%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,5% vào năm 2018. Giờ đây, dịch SARS-Cov-2 đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Nga. Tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng dịch SARS-Cov-2 ở Trung Quốc khiến giao thương giữa hai nước giảm sâu.
Hôm 20-2, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc suy giảm đến 1 tỉ rúp (15,5 triệu đô la)/ngày do tác động cùa dịch SARS-Cov-2. Trong gần 7 tuần đầu tiên của năm 2020, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc giảm gần 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Hải quan Nga công bố hôm 19-2. Xuất khẩu các nguyên vật liệu thô như khoáng sản, dầu thô và gỗ suy giảm mạnh nhất.
Cho đến nay, vùng Viễn Đông của Nga hứng chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất do tác động của dịch SARS-Cov-2. Nhiều cửa hàng thực phẩm ở vùng này đang thiếu hụt hàng hóa và giá rau quả tăng vọt do tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc. Các biện pháp hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc cũng khiến nhiều người lao động địa phương mất kế sinh nhai. Gần đây, một liên đoàn đoàn lao động địa phương đã kêu gọi Moscow hỗ trợ kinh tế vì 2.000 tài xế xe tải của liên đoàn này đã mất việc kể từ khi chính phủ Nga đóng cửa phần lớn biên giới với Trung Quốc.
Theo hãng tin nhà nước TASS (Nga), hai hãng hàng không Hainan Airlines và China Southern Airlines của Trung Quốc đang lên kế hoạch sa thải hơn 100 phi công Nga do dịch SARS-Cov-2 làm giảm nhu cầu đến và đi từ Trung Quốc bằng đường hàng không.
Đối mặt hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu dịch kéo dài
Nền kinh tế Nga đặc biệt dễ tổn thương nếu tình trạng tê liệt hoạt động sản xuất ở Trung Quốc kéo dài vì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xoay trục kinh tế về hướng Đông, tức châu Á, đặc biệt là Trung Quốc kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến việc nước này sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine.
Ông Tatiana Evdokimova, nhà phân tích của Ngân hàng Nordea ở Moscow, nhận định: “Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ, đó là một rủi ro nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại của Nga”.
Trong khi đó, Artyom Lukin, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế của Đại học liên bang vùng Viễn Đông ở TP. Vladivostok, Nga cảnh báo Nga có thể hứng chịu các hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu dịch SARS-Cov-2 không lắng dịu vào tháng sau.
“Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng trong vài tháng nữa, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nga sẽ phá sản vì họ phụ thuộc vào các hoạt động thương mại với Trung Quốc. Các doanh nghiệp lớn không phá sản nhưng họ sẽ mất mát lợi nhuận đáng kể từ thị trường Trung Quốc do giá nguyên liệu thô giảm chẳng hạn như dầu thô”, ông Artyom Lukin cho biết.
Mối lo lớn nhất đối với Nga là dịch SARS-Cov-2 có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đã giảm gần 20% kể từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng phát mạnh hồi cuối tháng 1. Giá dầu Brent tại thị trường London giảm từ mức 69 đô la/thùng hồi tháng 1 về sát mức 53 đô la/thùng hôm 10-2 dù sau đó, dần hồi phục nhẹ lên mức 58,5 đô la/thùng vào hôm 21-2.
Ông Alexey Belogoryev, Phó Giám đốc Viện Tài chính và Năng lượng ở Moscow, cảnh báo giá dầu có thể sụp đổ xuống mức thấp hơn trừ phi dịch SARS-Cov-2 được khống chế trong hai tháng tới.
“Nếu dịch bệnh này tiếp tục kéo dài sang tháng 5 hoặc tháng 6, thì giá dầu chắc chắn rơi xuống mức 50 đô la/thùng và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể kìm hãm đà rơi của giá dầu vì Trung Quốc là thị trường tăng trưởng quan trọng của dầu mỏ”, ông Belogoryev nhận định.
Ngoài ra vị này còn cho biết giá dầu giảm sẽ kéo theo doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga giảm, đe dọa ngân sách của nước này. Giá dầu giảm cũng gây áp lực giảm giá đối với đồng rúp của Nga, từ đó, làm gia tăng rủi ro đối với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế Nga.
Năm ngoái, có 2,3 triệu người Trung Quốc, bao gồm 1,5 triệu du khách nhập cảnh vào Nga. Hiệp hội các nhà điều hành tour của Nga dự báo ngành du lịch của Nga sẽ thiệt hại doanh thu ít nhất 2,8 tỉ rúp trong tháng 2 và tháng 3. Tổng thiệt hại có thể lên đến 31,2 tỉ rúp (gần 500 triệu đô la) nếu du khách Trung Quốc ngừng đến Nga trong cả mùa hè nay. Theo hiệp hội này, việc Trung Quốc cấm công dân đi du lịch nước ngoài theo tour nhóm khiến lượng khách du lịch ở vùng Murmansk, phía bắc nước Nga giảm đến 80%.