NĐT ngoại chốt lời FPT trên đỉnh lịch sử
Là đại diện ngành công nghệ với kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng ổn định, cổ phiếu của CTCP FPT (Mã: FPT) luôn được khối nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Bằng chứng là nhiều quỹ đầu tư ngoại cùng nắm giữ mã này, và tỷ lệ sở hữu còn lại (room ngoại) luôn duy trì sát mức tối đa là 49%.
Trong phiên 11/6, khối ngoại ghi nhận mua 0,24 triệu cp, bán 2,05 triệu cp, tức bán ròng 1,8 triệu cp (giá trị bán ròng hơn 250 tỷ đồng). Đây là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp, khiến FPT “hở room” 5,5 triệu cp. Tổng giá trị bán ròng lũy kế 5 phiên đạt 733 tỷ đồng.
Gần nhất, FPT từng “hở room” vào các phiên 29/5, 30/5, 3/6 và 4/6 với khối lượng khoảng từ 600.000 đến 1,4 triệu cp, nhưng đã nhanh chóng “kín” trở lại sau đó.
Trên thị trường, FPT kết phiên 11/6 tại 146.500 đồng/cp, tăng 1,7% so với tham chiếu. Tính qua một tuần, cổ phiếu đã tăng giá 5,3%, khối lượng giao dịch bình quân phiên gần 5,1 triệu cp.
Về tình hình hoạt động, FPT thông báo 13/6 là ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp), thanh toán vào 20/6. Với gần 1,27 tỷ cp đang lưu hành, FPT cần chi 1.270 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Cộng với lần chi tạm ứng 10% vào tháng 7/2023, tổng tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 là 20%.
13/6 cũng là ngày chốt quyền thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Theo đó, FPT sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cp với tỷ lệ 20:3 (sở hữu 20 cp được nhận thêm 3 cp mới). Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối 2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (hơn 8.600 tỷ đồng). Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ ông lớn ngành công nghệ sẽ tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng.