|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năng lực thông quan của một số cửa khẩu đã đến giới hạn, xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ

16:52 | 31/05/2023
Chia sẻ
Hiện Việt Nam đã vào cao điểm thu hoạch của một số loại trái cây, đặc biệt là vải và nhãn. Lượng xe hàng được đưa lên cửa khẩu biên giới để xuất khẩu, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn gia tăng đáng kể, gây áp lực cho hạ tầng của cửa khẩu.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ việt nam ở nước ngoài tháng 5, ông Nguyễn Hữu Quân, Chi nhánh thương vụ tại Nam Ninh, cho biết thời gian qua, khi các loại trái cây Việt Nam vào cao điểm thu hoạch, lượng xe hàng được đưa lên cửa khẩu biên giới để xuất khẩu, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn gia tăng đáng kể, gây áp lực cho hạ tầng của cửa khẩu.

 Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ việt nam ở nước ngoài tháng 5

Thậm chí một số thời điểm xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ trong bối cảnh năng lực thông quan của cửa khẩu cơ bản đã đến giới hạn.

Do vậy để hạn chế tối đa rủi ro cũng như việc tăng thêm chi phí, ông Quân khuyến nghị các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thông quan tại cửa khẩu để có sự phân luồng hàng hoá hợp lý.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt những quy định kiểm dịch về trái cây nhập khẩu, đặc biệt là yêu cầu kiểm dịch đối với quả vải thiều, nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc. 

"Trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế tại cửa khẩu thương vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thúc đẩy Quảng Tây tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng nông sản và trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Quân cho biết.

Trong tuần trước, thương vụ cũng đã phối hợp với sở công thương Bắc Giang, Lạng Sơn  thu xếp đoàn công tác, làm việc với cơ quan hải quan Quảng Tây để đề nghị bạn tạo điều kiện hơn nữa trong hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam qua các cửa khẩu. Trong tuần tới đoàn công tác của Vụ Á Phi sẽ có chuyến thăm Quảng Tây để đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện hơn nữa trong bối cảnh mặt hàng trái cây Việt Nam đang vào vụ cao điểm thu hoạch.

Tỉnh Quảng Tây có 9 cặp cửa khẩu và 16 lối mở đủ điều kiện giao thương hàng hoá với Việt Nam. Trong đó, riêng cửa khẩu trên bộ có Bằng Tường, Đông Hưng, Thuỷ Khẩu và Long Ban được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc chỉ định là cửa khẩu thực hiện nhập khẩu trái cây.

Riêng đường bộ, hết quý I/2023 các cửa khẩu thuộc khu vực Bằng Tường nhập khẩu hơn 63.000 tấn trái cây với kim ngạch khoảng 900 triệu USD, tăng 246% về lượng 330% về giá trị. Các cửa khẩu tại Đông Hưng nhập khẩu hơn 38.000 tấn, tăng 5,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

"Có thể thấy xuất khẩu trái cây sang Quảng Tây đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh sau COVID-19. Trong những năm qua, các địa phương đặc biệt quan tâm đến xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng trái cây đặc thù của địa phương sang Trung Quốc thông qua việc tổ chức các đoàn công tác và hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời đề xuất các biện pháp tạo thuận lợi cho việc thông quan, đặc biệt là khi trái cây Việt Nam vào thời điểm thu hoạch", ông Quân cho biết. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Tổng Cục Hải quan và các bên liên quan ưu tiên một luồng riêng để xuất khẩu quả vải và nhãn vì những loại trái cây này rất nhanh hỏng, nếu chỉ chờ trong 1,2 ngày thì độ tươi giảm nhiều. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đang làm việc với các địa phương Việt Nam có cửa khẩu với Trung Quốc.

"Các địa phương cũng rất chủ động trong việc làm việc với các đối tác liên quan tại cửa khẩu. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để hỗ trợ tốt nhất cho việc tiêu thụ vì hoa quả mang tính thời vụ do đó cần phải xử lý nhanh nhất chuyển đến người tiêu dùng", ông Đỗ Thắng Hải nói. 

Mới đây,Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơncó văn bản thông tin về tình hình ùn tắc hàng hoá chờ xuất khẩu  qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và các khuyến nghị.

Theo đó, từ ngày 23/5 đến nay, lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến do mặt hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế.

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết phương tiện từ nội địa lên cửa khẩu theo hướng tận dụng tối đa hạ tầng cửa khẩu, hạn chế việc xe đỗ trên đường quốc lộ, đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa được thông suốt.

Ngoài ra, Ban Quản lý đã trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường Trung Quốc thống nhất kéo dài thời gian thông quan trong ngày tới 20h (giờ Hà Nội) và tiếp tục đề nghị phía bạn phối hợp điều tiết mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) để giảm tải áp lực cho cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

 

Tuy nhiên tại thời điểm 20h ngày 26/5, tổng số phương tiện chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 605 xe, trong đó 185 xe chờ tại cửa khẩu.

Tại thời điểm 7h30 ngày 27/5, có 430 xe dừng đỗ trên tuyến đường quốc lộ 1A, lượng phương tiện dừng đỗ ngoài khu vực cửa khẩu đã kéo dài qua địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn dự báo trong thời gian tới, các phương tiện chở sầu riêng, thanh long, mít, xoài, vải thiều từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu, gây nên tình trạng ùn tắc kéo dài.

“Điều này tiềm ẩn nguy rất lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm phẩm chất, nhiều xe hàng không đảm bảo chất lượng nên không thể xuất khẩu và phải quay đầu”, Sở Công Thương Lạng Sơn cảnh báo.

 

 

H.Mĩ