|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2023, thời cơ cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

14:41 | 25/01/2023
Chia sẻ
Sau kết quả ấn tượng của các ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong năm 2022, bước sang năm mới, với việc Trung Quốc quyết định bỏ chính sách “zero Covid-19” lập tức có tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu vào quốc gia tỷ dân này, đã "tạo nên" cơ sở lạc quan cho đà tăng trưởng năm 2023 của ngành nông nghiệp.

Ấn tượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 

2022 được xem là một năm thành công của ngành nông nghiệp bất chấp nhiều khó khăn của thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53,2 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Kết quả này giúp ngành nông nghiệp thiết lập kỷ lục mới. Đây cũng là năm mà thặng dư thương mại toàn ngành tăng cao, ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. 

Con số ấn tượng này có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu chạm mốc gần 11 tỷ USD, chính thức gia nhập “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 10 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm ngành hàng này tham gia vào thị trường quốc tế.

 Xuất khẩu thủy sản cao nhất sau 20 năm ngành hàng này tham gia vào thị trường quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Với nhóm nông sản, dù không đạt kết quả cao kỷ lục như thủy sản nhưng vẫn có nhiều nông sản bứt phá về doanh số. Trong đó, một số mặt hàng đạt kỷ lục mới như xuất khẩu cà phê gần 4 tỷ USD, gạo 3,5 tỷ USD, rau quả 3,4 tỷ USD...

Trong năm qua, ngành rau quả đã ghi dấu những nỗ lực đàm phán và hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu hàng loạt nông sản như bưởi, chanh sang New Zealand; chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Và quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.  

Sau một tháng mở cửa thị trường, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm 2021; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%... 

Tiếp đến là gạo, lần đầu tiên ghi dấn ấn tượng khi có thương hiệu riêng trên thị trường thế giới sau 20 năm vô danh, phải đóng gói dưới nhãn hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài.

Nhiều mặt hàng kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023

Bước sang năm 2023, Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu đã giúp nhiều ngành hàng nông sản kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu trở lại vào thị trường này. 

Theo đó, ngay sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới (từ ngày 8/1/2023), nhiều mặt hàng nông sản như gạo, trái cây, thủy sản… đã tăng trưởng mạnh trở lại.

Tại thủ phủ thanh long tỉnh Bình Thuận, giá thanh long ruột trắng tại vườn đã lên đáng kể, dao động 18.000 - 26.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000 - 42.000 đồng/kg. 

Chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát, cho hay từ khi Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.

“Nếu như cùng thời điểm này năm trước thanh long rớt giá thê thảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên trên 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để thu mua”. 

Tại các vựa trái cây khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng “sốt giá” nhất phải kể đến là sầu riêng. Ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đắk Lắk), cho biết công ty đang tích cực thu mua ở những vùng trồng được cấp mã số theo quy định.

Thời gian gần đây giá sầu riêng xuất khẩu (có mã số vùng trồng) liên tục tăng. Nếu như tháng 12/2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn khoảng 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg so với mùa trước, thì hiện tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg. 

Theo VnEconomy, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu và vẫn còn nhiều dư địa. Năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, chỉ trong một tháng đã tăng hơn 4.000%. Tới đây, nhờ vào việc ký kết các Nghị định thư, mở cửa biên giới, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và Việt Nam đã ký kết tham gia 15 hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.

"Dự báo năm 2023 là năm “bùng nổ” xuất khẩu rau quả, nếu như năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD thì năm 2023 sẽ cán mốc 4 tỷ USD", ông Nguyên nói.

Cùng với rau quả, dự báo nhu cầu thủy sản từ thị trường tỷ dân cũng sẽ "bùng nổ" giống như với thị trường châu Âu, Mỹ sau dịch COVID-19 trong các năm 2020, 2021 và bù đắp được lượng đơn hàng sụt giảm từ các nước này. 

Chia sẻ với KTSG Online, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang, cho biết trong năm 2023 sẽ có “điểm sáng”, nhất là khi Trung Quốc đã bỏ các lệnh phong toả, giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này gia tăng.

“Có một công ty đặt mua 10 container, nhưng chúng tôi chỉ đồng ý bán 5 container nhằm khai trương sau Tết thôi”, ông cho biết và giải thích do giá bán hiện vẫn chưa tốt.

Ngoài ra, theo ông Văn, sau khi gặp khó khăn trong quí IV/2022 bởi lạm phát trên toàn thế giới, tỷ giá đồng ngoại tệ bị đẩy lên cao cộng với điều chỉnh lãi suất và chính sách “siết” dòng tiền, thì trong quý I và II/2023 sẽ “sáng” lên do lạm phát trên thế giới đã dịu lại.

“Thậm chí, ngay cả Việt Nam trước đây “siết” tín dụng, thì bây giờ Chính phủ cũng đã nới lỏng hơn”, ông dẫn chứng và nói rằng, dù thị trường chưa trở lại bình thường, nhưng đã dấu hiệu thuận lợi hơn, cho nên, thuỷ sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng ở năm 2023.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), lưu ý việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn đối với doanh nghiệp Việt.

Chẳng hạn như trước đây, các công đoạn đánh mã vùng trồng, bao gói sản phẩm chỉ được nước bạn giám sát trực tuyến thì nay họ có điều kiện đi lại để kiểm tra trực tiếp. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào làm ăn thiếu bài bản, thiếu chỉn chu trong tuân thủ các quy định đã giao kết thì rất dễ bị bạn hàng chấm dứt đơn hàng. 

Tương tự, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng Trung Quốc bỏ chính sách “zero Covid-19” được, thì họ cũng có thể tái áp dụng, cho nên, nếu Việt Nam không chủ động duy trì, thì sẽ rất dễ bị rủi ro.

“Vì vậy, vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hiện nay, đó là dù có mở cửa hay không thì chúng ta vẫn nên đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của Trung Quốc thì mới hy vọng ổn định xuất khẩu trong năm 2023 được”, ông nhấn mạnh.

Như Huỳnh