Năm 2017, GDP tăng 6,81%, nhiều chỉ số kinh tế tích cực, năng suất lao động VN vẫn thấp
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó, quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%.
Như vậy, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của 5 năm qua (từ 2011-2016).
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Ảnh nguồn: Internet. |
Năm 2017 cũng có đến 26.488 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2017 lên 153.300 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số lao động tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2%.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 ước đạt 1.667 nghìn tỉ đồng, tăng 12,1% và bằng 33% GDP, trong đó đáng chú ý là đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đạt 676.300 tỉ đồng, chiếm 40,5%.
Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng kỷ lục khi vốn đăng ký đạt 21,3 tỉ USD và vốn giải ngân đạt 17,5 tỉ USD.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm với chỉ số sản xuất toàn ngành trong tháng 12 ước tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong khi công nghiệp khai khoáng giảm 10%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 9%...
Dù nhiều chỉ số kinh tế tích cực nhưng theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Theo đó, năng suất lao động toàn nền kinh tế ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,10%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,6 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 38 triệu tấn, giảm hơn 180 nghìn tấn. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,79 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng khá cao 8,98% so với mức tăng 6,70% của năm 2016, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14% (mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07% (mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, đóng góp 0,21 điểm phần trăm. |