Năm 2016, thị trường sẽ luôn nhớ về những khoản nợ này
ATA - TTF: Cặp bài trùng "bốc hơi" hàng tồn kho
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) năm qua đã gây ra "cú sốc" cho các nhà đầu tư khi công bố Báo cáo tài chính quý II/2016 với khoản lỗ 1.128 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 107 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc kiểm toán phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho và trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi.
Điều này đẩy LNST lũy kế 6 tháng đầu năm âm 1.073 tỷ đồng. EPS đạt âm 7.571 đồng/cp.
Ảnh minh họa |
Trước đó, vào tháng 7, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát - Công ty con của Tập đoàn Vingroup tuyên bố tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay giá trị 1.202 tỷ đồng cho TTF. Nguyên nhân Tân Liên Phát đưa ra là trong quá trình thẩm tra và đánh giá hoạt động kinh doanh của TTF đã phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Sau sóng gió về tồn kho, cha ông ông Võ Trường Thành - Võ Diệp Văn Tuấn cũng bị miễn nhiệm lần lượt các chức danh và rời khỏi TTF vào cuối tháng 11 vừa qua.
Và cũng mới đây, Tân Liên Phát đã bán ra 28,92 triệu cổ phần TTF trong tổng số 72,15 triệu cổ phần đang nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu từ 49,9% xuống còn 29,9%. Đơn vị mua số cổ phần này vẫn là một ẩn số.
Từ câu chuyện tồn kho bốc hơi một cách bí ẩn, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) cũng ra cảnh báo cổ phiếu TTF có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do có số lỗ vượt vốn điều lệ thực góp. Tính tới hết quý III, TTF lỗ chưa phân phối 1.605 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 1.446 tỷ đồng. Hiện, cổ phiếu này đang bị kiểm soát đặc biệt.
Cũng từ khi có tin xấu, cổ phiếu TTF xuống dốc không phanh, 24 phiên giảm sàn liên tiếp và giảm từ khoảng giá 43.600 đồng/cp xuống dưới mệnh giá, thậm chí có những phiên giao dịch chỉ khoảng 4.000 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu này giao dịch lình xình quanh mốc 5.000 đồng/cp.
Trong diễn biến mới nhất, gỗ Trường Thành thông qua cho Tân Liên Phát sửa đổi hợp đồng vay chuyển đổi thành vay thông thường. Do đó, hi vọng mong manh về việc Tân Liên Phát chuyển đổi cổ phiếu để cứu TTF khỏi nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc không còn nữa.
Cũng giống TTF, Công ty Cổ phần NTACO (Mã: ATA) cũng rơi vào cảnh khó kiểm kê thực tế hàng tồn kho.
Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã từ chối đưa ra ý kiến về việc kiểm kê thực tế hàng tồn kho tại thời điểm ngày 31/12/2015 và ngày 31/12/2014 với giá trị được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán lần lượt là hơn 364,37 tỷ đồng và hơn 398,8 tỷ đồng.
Công ty kiểm toán đã thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế, tuy nhiên các thủ tục kiểm toán thay thế cũng không cung cấp được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với số lượng nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và thành thẩm tồn kho tại ngày 31/12/2015 cũng như giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại ngày này.
Tuy nhiên Ban lãnh đạo của ATA không đồng ý với kết luận của kiểm toán và khiếu nại lên Bộ Tài chính, UBCK, HOSE vì A&C đã "từ chối đưa ra ý kiến" trong báo cáo kiểm toán, khiếu nại cơ quan pháp luật làm rõ trách nhiệm của Ban giám đốc cũ, đơn vị kiểm toán Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội (đơn vị kiểm toán cũ) và A&C (đơn vị kiểm toán mới).
Từ đó đến nay, câu chuyện tồn kho của ATA vẫn là dấu hỏi trên thị trường khi chưa có bất kỳ một thông báo nào mới mẻ. Cổ phiếu ATA cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 22/9/2016, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nguyên nhân HOSE đưa ra là công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo theo quyết định ngày 23/8/2016.
Cổ phiếu ATA từ mức đỉnh 7.000 đồng/cp vào tháng 5/2016 đã xuống còn 2.400 đồng/cp trong ngày đầu có tin xấu và hiện tại giao dịch còn khoảng 800 đồng/cp.
MTM - "bò né", vòng lao lý và dấu hỏi với UPCoM
Trụ sở MTM chỉ là quán bò nè (Ảnh minh họa) |
Cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung bị ngừng giao dịch từ ngày 20/6/2016. Lý do ngừng giao dịch mà HNX đưa ra là để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư khi có nhiều đơn "kêu cứu" trên các phương tiện truyền thông, thậm chí gửi đơn thư lên Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
MTM bị ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng niêm yết, hơn 4 triệu cổ phiếu "ma" giao dịch mà không ai hay biết, trụ sở công ty là quán "bò né". Chủ tịch HĐQT MTM Trần Hữu Tiệp đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trưởng ban kiểm soát công ty cũng bị truy nã về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu trong quá trình giám sát hoạt động của UPCoM khi để xảy ra trường hợp MTM? Có phải vì quy trình niêm yết UPCoM còn quá lỏng lẻo khi mà MTM niêm yết nhưng chưa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015? Các thông tin về kết quả kinh doanh năm 2015 chỉ được công ty công bố sơ lược trong bản cáo bạch.
Từ vụ MTM nhìn lại bản chất "niêm yết trên UPCoM"
MTM đổi tên, kế hoạch thu hồi 100 tỷ đồng công nợ và M&A 5 công ty con
HAGL, bầu Đức và 20.000 ha cao su
Báo cáo nợ phải trả của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) tại thời điểm 30/6/2016 gần 33.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 12.343 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng.
Không những vậy, HAGL còn ghi nhận lỗ thuần hơn 1.191 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016.
Tại thời điểm đó, HAGL cho biết chờ nhận văn bản phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 tổ chức sau đó, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL khẳng định chỉ có 2 phương án tái cơ cấu nợ: một là Chính phủ "cứu", hai là bán rừng cao su. Nếu Chính phủ không "cứu", HAGL bắt buộc phải bán 20.000 ha cao su tại Lào cho những đối tác lớn, ví dụ Trung Quốc thì thu được khoảng 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL sẽ bán nhà máy thủy điện, nhà máy mía đường để trả nợ. Lãnh đạo HAGL kỳ vọng đến năm 2017, Tập đoàn sẽ khá hơn sau khi tái cơ cấu nợ và trả nợ, "làm sạch" báo cáo. HAGL ưu tiên giảm nợ, cuối năm nay dự kiến giảm 6.000 tỷ đồng.
Đến nay, phương án tái cơ cấu nợ của HAGL vẫn còn là ẩn số.
HAGL đẩy mạnh thanh lý tài sản, kể cả dự án tại Myanmar
HAGL sẽ bán 20.000 ha cao su nếu Chính phủ không hỗ trợ tái cấu trúc
HAGL lỗ ròng 1.260 tỷ đồng trong 9 tháng, chưa nhượng nhà máy thủy điện
HAGL trình kế hoạch không lỗ 6 tháng cuối năm, không chia cổ tức