|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ - Triều nguy cơ lùi về vạch xuất phát

03:23 | 09/11/2019
Chia sẻ
Đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên hiện lâm vào bế tắc trong khi hai nước lại có những dấu hiệu thay đổi thái độ.

Khi Kim Jong-un hứa "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" vào năm ngoái, Washington và Seoul đã đưa ra một số nhượng bộ nhằm đảm bảo ông sẽ giữ lời. Hai quốc gia đồng minh hủy cuộc tập trận chung thường niên quan trọng, làm dấy lên chỉ trích từ những tiếng nói cứng rắn ở Mỹ như John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, người từng cảnh báo rằng lãnh đạo Triều Tiên "chỉ đang chơi đùa".

Mỹ và Hàn Quốc đã tập trung vào các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Giới chức hai nước đưa ra các bản kế hoạch giúp Kim hiện thực hóa mong muốn vực dậy nền kinh tế đất nước đổi lấy việc Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược. Một số nhà ngoại giao hàng đầu ở Seoul đã mô tả cách tiếp cận phi chính thống này là biện pháp giúp "mang lại cơ hội cho hòa bình".

Mỹ - Triều nguy cơ lùi về vạch xuất phát - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng hai. Ảnh: AFP.

Nhưng 8 tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai khép lại mà không đạt kết quả, quyết tâm của Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại trực tiếp dường như đã chết. Thêm vào đó, lãnh đạo Triều Tiên lại quay trở về với thói quen đã trở thành đặc trưng nơi ông: Phóng tên lửa đạn đạo.

Tháng trước, Kim tiếp tục làm gia tăng căng thẳng bằng vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới, đe dọa đất liền Mỹ. Việc sở hữu SLBM làm gia tăng đáng kể năng lực tấn công của Triều Tiên, cho phép họ trả đũa hạt nhân ngay cả trong trường hợp các tên lửa trên đất liền bị phá hủy. Mặt khác, vì tên lửa hoạt động dưới nước nên Mỹ khó phát hiện hơn.

Cuộc gặp cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên ở Stockholm, Thụy Điển, được tổ chức ngay sau khi Triều Tiên phóng SLBM, cũng sụp đổ, làm giảm thêm các kỳ vọng. Nhà đàm phán hàng đầu Triều Tiên Kim Myong-gil đã đưa ra cảnh báo về "những sự việc khủng khiếp" có thể xảy ra.

Đối diện việc Triều Tiên quay về cách tiếp cận cũ, Mỹ và Hàn Quốc đang có xu hướng nghiêng về lập trường truyền thống đối với vấn đề Triều Tiên. Hai nước đang chuẩn bị nối lại các cuộc tập trận phòng không chung. Giọng điệu ở Washington về Triều Tiên dần thay đổi.

Lầu Năm Góc tuần qua thông báo Mỹ và Hàn Quốc vẫn sẽ tiến hành các cuộc tập trận trên không chung ở bán đảo Triều Tiên vào tuần tới. Báo Stars and Stripes, Mỹ, dẫn lời các quan chức quân đội cho biết cuộc tập trận này sẽ thay thế các cuộc tập trận thường niên trước đây mang tên Vigilant Ace, vốn bị hủy vào năm ngoái cùng cuộc tập trận Key Resolve và Ulchi Freedom Guardian nhằm thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã lập tức lên tiếng phản đối quyết định từ phía Mỹ và Hàn Quốc. Kwon Jong-gun, đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, gọi đây là hành động "quân sự điên cuồng liều lĩnh" có nguy cơ đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai đến "bờ vực tuyệt chủng".

"Sự kiên nhẫn của chúng tôi đã đạt đến giới hạn cao nhất", Kwon nói. "Chúng tôi sẽ không ngồi yên".

Những dấu hiệu thay đổi thái độ đã bắt đầu xuất hiện ở Washington. Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng trước ngụ ý Mỹ có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận với Triều Tiên.

"Sự thật là chúng tôi không thể dựa vào những chiến lược thất bại để thuyết phục Chủ tịch Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông nói tại Quỹ Di sản, một viện nghiên cứu bảo thủ. "Vẫn còn rất nhiều việc phải làm".

Giới chuyên gia cho rằng mối quan hệ bên ngoài nồng ấm giữa Trump và Kim thực tế không dẫn đến bất kỳ tiến triển nào trong nỗ lực phi hạt nhân hóa.

"Mỹ không ít lần tìm cách đàm phán với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng chỉ đồng ý với 8 ngày họp ngoại giao trong suốt một năm rưỡi qua", Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản, bình luận. "Sau cuộc gặp ở Stockholm, các quan chức Mỹ đã trình bày những ý tưởng mới nhưng đều bị Triều Tiên nhanh chóng từ chối. Bình Nhưỡng thay vào đó tái khẳng định tuyên bố từ Kim Jong-un rằng sự kiên nhẫn của Triều Tiên sẽ hết vào cuối năm nay, đồng thời cảnh báo họ có thể tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)".

"Kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi năm 2018, Washington đã buông lỏng các nguyên tắc cũ, hủy bỏ nhiều cuộc tập trận với đồng minh và nuông chiều một lãnh đạo chịu trách nhiệm cho những tội ác chống lại nhân loại", Klingner nói. "Trump hiện chấp nhận một phiên bản yếu hơn của chính sách 'kiên nhẫn chiến lược' có từ thời chính quyền Obama và rụt rè gia tăng thi hành các biện pháp trừng phạt".

Kristine Lee, chuyên gia tại Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), lưu ý Washington có thể đang cân nhắc "điều chỉnh" chính sách để đưa Trung Quốc vào bức tranh.

Bắc Kinh và Moskva hồi tháng 7 tiến hành cuộc tuần tra trên không chung đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị trong bối cảnh cam kết quân sự của Washington với khu vực đang bị hoài nghi.

"Trong lúc các nhà đàm phán Mỹ tập trung vào nhiệm vụ đối thoại với Triều Tiên kể từ sau khi Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un bước chân vào con đường ngoại giao hồi tháng 6/2018, Trung Quốc vừa thể hiện bản thân là nước đấu tranh tích cực cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên vừa lợi dụng mối quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng để làm suy yếu một cách có hệ thống cách tiếp cận của Mỹ", Lee nhận xét.

Theo các nhà quan sát Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Cheng Xiaohe, phó giáo sư tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ theo dõi sát cuộc tập trận. Nhưng ông cũng lưu ý Tổng thống Trump sẽ rất khó thay đổi chính sách hiện tại với Triều Tiên bởi những bất ổn chính trị trong nước.

"Chính sách Triều Tiên của Mỹ có thể gặp bất ổn trong một khoảng thời gian (vì cuộc điều tra luận tội Trump) nhưng vẫn có tin tốt là bản thân Trump muốn đối thoại với Triều Tiên, dù những người khác (trong chính quyền của ông) không muốn", Cheng nói.

Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, trụ sở Washington, cho rằng việc dự đoán chính sách ngoại giao của Trump "hoàn toàn giống như một cuộc chơi".

"Chính phủ Mỹ rõ ràng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi mà thời hạn do Triều Tiên tự đặt ra sắp đến. Trong những tuần tới, tôi nghĩ Kim sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa hiện đại hơn nữa nhằm gây áp lực lên Washington", Kazianis đánh giá. "Dù hiện tại, Mỹ có thể giả vờ rằng mọi thứ với Triều Tiên vẫn ổn bởi họ chưa thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa, tôi nghi ngờ Kim sẽ phá vỡ cam kết này trong những tháng tới. Lúc đó, Trump sẽ phải quyết định lựa chọn giữa tiếp tục nhượng bộ hay quay trở về với chính sách gây áp lực tối đa".

Vũ Hoàng