Mỹ 'thờ ơ' với nhiều tổ chức đa phương ở châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, DC ngày 25/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Bài viết cho rằng việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thờ ơ với các thiết chế đa phương ở châu Á như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... đang tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này.
Dưới đây là nội dung bài phân tích:
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo trọng tâm mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và điều này vẫn được biết đến như hành động "xoay trục sang châu Á" của Mỹ.
Điểm cốt lõi trong chiến lược của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ ở khu vực này là cam kết đối với chủ nghĩa đa phương trong khu vực.
Từ quyết định tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á trong những ngày đầu tiên của Chính quyền cho đến việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do mang tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những tháng cuối cùng còn tại nhiệm, ông Obama tin rằng Mỹ có thể duy trì các lợi ích của mình thông qua việc tăng cường các tổ chức khu vực.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ nhất ở Bali vào năm 2011 và tiếp tục tham dự diễn đàn này vào các năm sau đó, ngoại trừ năm 2013 khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời.
Vào tháng Mười năm nay, Tổng thống Donald Trump đã đặt dấu chấm hết cho cách tiếp cận này.
Với quyết định cử một quan chức bậc trung trong nội các tới tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á, ông Trump đã cho thấy rằng các tổ chức đa phương không có vị trí nào trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nhà lãnh đạo này thường đề cập.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng thống Trump không tham dự diễn đàn này.
Tất nhiên, việc Tổng thống Trump thờ ơ với chủ nghĩa đa phương đã thể hiện ngay từ những ngày đầu ông nhậm chức.
Bằng quyết định rút Mỹ khỏi TPP và thông báo rằng Mỹ sẽ chỉ tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương, đồng thời bác bỏ việc bổ nhiệm các thành viên mới cho cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính quyền của ông Trump đã đi ngược lịch sử 75 năm ủng hộ thương mại đa phương của lưỡng đảng ở Mỹ.
Chỉ một tuần sau khi từ chối tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo quyết định chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Không có bất cứ đâu mà quan hệ đa phương lại quan trọng hơn ở khu vực Đông Á. Để đối phó với sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, các nước trong khu vực này rất muốn tìm kiếm các chiến lược để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Các thỏa thuận đa phương có hiệu quả cho phép họ kháng cự trước chiến lược “chia để trị” của Trung Quốc mà không bị ép buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Được dẫn dắt bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong ba thập kỷ qua, khu vực này đã xây dựng nhiều thỏa thuận mới, giải quyết hàng loạt các vấn đề, từ chính trị và các vấn đề xuyên quốc gia như y tế công và năng lượng tại Hội nghị Cấp cao Đông Á cho đến các vấn đề an ninh tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Á và thương mại tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và hiệp định TPP.
Một số ý kiến cho rằng kết quả mà các tổ chức này mang lại vẫn còn khiêm tốn, trong đó đáng chú ý nhất là TPP. Các hội nghị này vẫn bị đanh giá chỉ là một cuộc trình diễn.
Những người theo thuyết duy thực cho rằng việc tham gia hay không tham gia vào các tổ chức quốc tế không hoặc hầu như không tác động tác động tới việc các nhà nước hành động như thế nào trong thực tế.
Chắc chắn rằng chỉ tham gia vào các hội nghị thượng đỉnh không đảm bảo một cam kết thực chất cho khu vực này.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khu vực đang tìm cách phán đoán ý định của Mỹ thường coi các quyết định này là một dấu hiệu cho các ưu tiên của Mỹ.
Không có sự tham gia của Mỹ, các thỏa thuận này không có cơ hội tạo ra phương án thay thế có thể đứng vững trước sự cạnh tranh nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc, và không có gì đảm bảo chắc chắn rằng khi phải đối mặt với sự lựa chọn sống còn, các nước này sẽ đứng về phía Mỹ.
Hội nghị Cấp cao Đông Á là một phương tiện cực kỳ hữu ích cho sự can dự của Mỹ. Đó là hội nghị khu vực duy nhất có sự tham gia rộng rãi của nhiều nước, trong đó có Ấn Độ và tất cả các đồng minh chủ chốt của Mỹ cũng như Trung Quốc và Nga.
Các hội nghị này không chỉ mang lại cơ hội để thảo luận về hàng loạt các vấn đề cấp bách của khu vực mà còn là nơi diễn ra các cuộc gặp cá nhân giữa Tổng thống Mỹ và các đối tác quan trọng.
Việc Mỹ không quan tâm tới các thiết chế đa phương khu vực là một mối đe dọa cho sự tồn tại của các thiết chế này. Bên cạnh đó, quyết định gần đây của Ấn Độ không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cho thấy rằng không chỉ có Mỹ theo chủ nghĩa đơn phương.
Có thể quá nhiều khi hy vọng rằng Chính quyền của ông Trump sẽ xem xét lại cái giá của các tiếp cận bất cẩn của mình đối với chủ nghĩa đa phương trong khu vực.
Tuy nhiên, các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các nỗ lực này trong lúc sử dụng ảnh hưởng của họ ở Washington để ủng hộ cho sự can dự lớn hơn của Mỹ.
Vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng có thể đóng vai trò bằng cách gia tăng tiếng nói ủng hộ sự tham gia cấp cao của Mỹ vào các thiết chế này và cử các phái đoàn cấp cao tới các hội nghị khu vực quan trọng.
Việc xây dựng các thiết chế hiệu quả ở châu Á-Thái Bình Dương đang là một thách thức lớn, nhưng mọi nỗ lực để duy trì các thiết chế này là “thuốc giải” cực kỳ quan trọng cho sự cạnh tranh Mỹ-Trung, vốn đang đe dọa hòa bình và thịnh vượng ở khu vực cực kỳ quan trọng này.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/