|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ thăm dò ký hiệp định thương mại song phương với Việt Nam

11:04 | 10/02/2018
Chia sẻ
Mỹ đang có chủ trương thăm dò tiến tới một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam nhưng hiện Việt Nam vẫn tập trung cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
my tham do ky hiep dinh thuong mai song phuong voi viet nam

Ông Hà Kim Ngọc cho biết Mỹ đang muốn tiến tới đàm phán song phương với Việt Nam - Ảnh: MOIT.

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đưa ra tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 của Bộ Công Thương.

Ông Ngọc cho biết gần đây Mỹ đang có hướng thăm dò và chủ trương thúc đẩy để tiến tới đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Tuy nhiên, chủ trương của ta hiện nay là tập trung cho việc hoàn tất đàm phán, ký kết CPTPP.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đến nay cũng chưa rõ ý định của Mỹ sau khi rút khỏi TPP và tiến tới việc đàm phán song phương với Việt Nam.

Trường hợp nếu tiến tới đàm phán song phương với Mỹ, ông Khánh cho rằng cần phải có tham vấn doanh nghiệp.

"Cá nhân tôi chưa biết thông tin đó và chưa có tiếp cận nào với doanh nghiệp. Nếu có đàm phán song phương thì buộc phải tham vấn trước khi bước vào đàm phán, tức là phải xin ý kiến doanh nghiệp và các bên, tham vấn rõ ràng về mục tiêu đàm phán, phương thức đàm phán" - ông Khánh nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng mặc dù Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyến bố có thể quay lại với TPP nhưng điều này "rất khó xảy ra".

Cũng bởi quan điểm của ông Trump vẫn đặt quyền lợi "nước Mỹ lên trên hết" nên các hiệp định đa phương khó có thể đáp ứng được yêu cầu này của Tổng thống Mỹ.

"Với Việt Nam chắc chắn ông Trump không thể chấp nhận chuyện tồn tại doanh nghiệp nhà nước, nhà nước đứng đằng sau mà sẽ phải yêu cầu cổ phần hóa, tư nhân hóa. Nếu đàm phán đa phương thì rất khó để "mặc cả" theo từng vụ được, như hiện nay Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ thì Việt Nam phải mua cái gì để cân bằng thương mại" - ông Sơn phân tích.

Hoặc để thu hút được vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, cũng cần phải có chính sách mở cửa thị trường đầu tư mang lại lợi ích hơn cho Mỹ. Những tiêu chuẩn xuất khẩu hàng vào Mỹ cũng khắt khe, ngặt nghèo hơn như yêu cầu về môi trường, lao động, nghiệp đoàn, hoặc những rào cản mới đặt ra về chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Do đó, ông Sơn ủng hộ quan điểm cần xây dựng mối quan hệ thương mại song phương với Mỹ, tiến tới đám phán ký hiệp ước hợp tác song phương.

Trong mối quan hệ thương mại thế giới hiện nay, các đối tác quan trọng nhất vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nên việc xây dựng hiệp định thương mại song phương với các nước này sẽ giúp Việt Nam nắm chắc mối quan hệ kinh tế với nước lớn.

N.An

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.