Mỹ giảm thuế, siết nhập khẩu: VN bị ảnh hưởng sao?
Cần chính sách xuất khẩu mới cho thị trường Mỹ | |
Mỹ thực hiện Luật cải cách thuế mới: Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát, đánh giá tác động đến VN | |
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế cải cách lớn nhất 30 năm |
Chính sách cải cách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mới đây tập trung giảm thuế cho các công ty sản xuất tại Mỹ theo hướng ưu tiên “nước Mỹ trước tiên”, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Mỹ, trong đó có Việt Nam (VN). Cụ thể, thuế thu nhập của doanh nghiệp (DN) Mỹ giảm từ 35% xuống 21%; lợi nhuận của các công ty Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%.
Bên cạnh đó, với chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, không ít mặt hàng của VN xuất sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhiều mặt hàng của VN bị tác động
Chính sách thuế mới của Mỹ được nhiều chuyên gia chỉ ra là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến Trung Quốc (TQ). Thực tế Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ TQ nhưng hàng VN xuất khẩu sang Mỹ cũng bị vạ lây.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng điều đáng lo ngại nhất là các sản phẩm của VN xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ TQ có nguy cơ cao bị Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá. Trong đó, những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ lớn như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị tác động nhiều nhất.
Bằng chứng rõ nhất là nhiều công ty xuất khẩu thép của VN hiện đang gặp khó khăn khi Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá mức cao. Ví dụ thép cán nguội phải chịu hai loại thuế nêu trên với mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, giải thích thêm: Sở dĩ Mỹ đánh thuế cao với thép vì kết luận rằng các sản phẩm thép của VN được nhập khẩu từ TQ qua VN, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Có thể nói thép VN đang bị oan từ thép TQ.
“Đây là kết luận thiếu cơ sở. Do vậy hiệp hội đã gửi kiến nghị lên bộ, ngành liên quan và dự định sẽ khởi kiện ra WTO nếu Mỹ không thay đổi quyết định trên” - ông Sưa cho hay.
Hiện nay Mỹ chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu VN ra nước ngoài. Do đó nếu việc áp thuế của Mỹ tiếp tục mở rộng, nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của VN bị ảnh hưởng lớn. Thủy sản VN là một ví dụ. Thuế chống bán phá giá rồi chống khai thác đánh bắt bất hợp pháp hải sản (IUU) khiến mặt hàng tôm, cá tra VN tiếp tục khốn đốn.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại thủy sản Thuận Phước, cho biết đơn vị ông đã ngừng xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ vì thuế chống bán phá giá quá cao. Hiện nay công ty của ông chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao vào Mỹ.
Thay đổi cách làm để thích nghi
Dù đối mặt với không ít khó khăn khi Mỹ thay đổi chính sách thuế nhưng cơ hội từ thị trường này vẫn không ít. TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận những mặt hàng xuất siêu sang Mỹ vẫn có thế mạnh về cạnh tranh, nếu biết tận dụng cơ hội sẽ chinh phục thị trường Mỹ.
Chẳng hạn hàng may mặc VN nếu bị đánh thuế nặng thêm thì may mặc của Mỹ cũng khó mà rẻ hơn để các công ty Mỹ có động lực tham gia vào sản xuất thay thế. Ngược lại, nhân công giá rẻ, lao động lành nghề… sẽ giúp các ngành như dệt may, da giày, điện tử của VN có ưu thế hơn các đối thủ đến từ nước ngoài để thâm nhập sâu thêm vào Mỹ.
“VN phải phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên phụ liệu chất lượng đầy đủ cho các ngành xuất khẩu thì hàng Việt chắc chắn được thị trường Mỹ đón nhận mà không lo rào cản kỹ thuật, thuế. VN hoàn toàn có thể thay thế TQ thành nước sản xuất hàng điện tử, điện lạnh cung cấp cho thị trường Mỹ” - ông Hiếu tự tin.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ để thâm nhập và khai thác lâu dài, công ty đã thành lập trụ sở ngay tại Mỹ, kết nối với các nhà bán lẻ tại Mỹ đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng. Đồng thời tập trung đưa hàng có thương hiệu, giá trị gia tăng cao vào thị trường này thay vì chỉ xuất thô.
“Tất cả lô hàng như trái cây từ VN xuất sang Mỹ phải đạt các điều kiện kỹ thuật và minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ như mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý chiếu xạ… Khi hàng Việt đáp ứng các điều kiện trên thì không chỉ xuất khẩu thuận lợi sang Mỹ mà có thể dễ dàng xuất sang nhiều thị trường khác như EU, Nhật” - ông Tùng nói.