|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ, EU và Nhật Bản tìm cách 'chặn' người Nga dùng tiền ảo né đòn trừng phạt

12:06 | 07/03/2022
Chia sẻ
Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đều đang cân nhắc các biện pháp nhằm đảm bảo rằng Nga sẽ không sử dụng tiền ảo như một cách để tránh các lệnh trừng phạt tài chính đang được áp dụng.

Theo Nikkei, tính chất phi tập trung của Bitcoin nói riêng và tiền mã hoá nói chung có thể biến nó thành một công cụ vượt qua các lệnh trừng phạt đang áp dụng với Nga.

Chính phủ và các tổ chức liên quan đến tiền mã hoá của Nhật Bản đang bắt đầu thảo luận các quy định mới, trong đó có việc cấm các sàn giao dịch thực hiện giao dịch có liên quan đến Nga.

Mỹ, EU và Nhật Bản tính cách 'chặn' người Nga dùng tiền mã hoá - Ảnh 1.

Nhiều nền kinh tế lớn muốn đảm bảo tiền mã hoá không bị lợi dụng như một cách để Nga vượt qua các lệnh trừng phạt tài chính. (Ảnh: Reuters).

Vì sao Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đều nhắm đến tiền mã hoá?

Các quốc gia đều đang lo ngại tiền mã hoá trở thành một lỗ hổng để người Nga có thể chuyển tài sản ra nước ngoài và vượt qua các lệnh trừng phạt đang áp dụng.

Trong số các lệnh trừng phạt hiện tại có một thoả thuận giữa Mỹ, EU và Nhật Bản nhằm chặn một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống điện thanh toán quốc tế SWIFT. Các bộ trưởng tài chính Châu Âu đồng thuận vào hôm 1/3 rằng sẽ "tiếp tục tìm hiểu các hành động nhằm hạn chế việc né tránh lệnh trừng phạt, đặc biệt là liên quan đến tài sản mã hoá".

Đây không phải là lần đầu tiên tiền mã hoá được dùng cho mục đích này, ông Naoyuki Iwashita, một giáo sư đại Đại học Kyoto, nói.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính của Síp vào năm 2013, chính phủ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để hạn chế tình trạng nhu cầu rút tiền gửi đột ngột tăng mạnh, bao gồm cả việc đóng băng các tài khoản tiền gửi. Síp vốn là một thiên đường thuế với Nga và vì thế nhiều người Nga được cho là đã nhanh chóng đổi tiền mặt sang bitcoin trước khi lệnh hạn chế được áp dụng.

"Đây là một trong những vụ việc lớn đầu tiên mà tiền mã hoá được dùng cho mục đích rửa tiền", Iwashita nói. "Phương Tây sợ Nga sẽ áp dụng biện pháp tương tự lần này".

Ông Sam Bankman-Fried, CEO sàn giao dịch mã hoá FTX, nói rằng công ty của ông đang cảnh giác với bất kỳ hoạt động liên quan đến tiền mã hoá nào nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt.

"Về cơ bản, chúng tôi chưa thấy các dấu hiệu từ Nga về một nỗ lực dùng tiền mã hoá để tránh các lệnh trừng phạt", ông nói với CNBC. "Chúng tôi cũng chưa thấy giới tài phiệt làm điều này nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ cố gắng làm điều đó trong tương lai".

Bao nhiêu người Nga đang sở hữu tiền mã hoá?

Không có dữ liệu chính thức về tình hình sở hữu tiền mã hoá tại Nga song công ty thanh toán mã hoá TripleA ước tính con số có thể lên tới hơn 17,3 triệu người, tương đương 12% dân số.

Hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời một nhà lập pháp tại Hạ viện nước này vào tháng 12 năm ngoái cho biết người Nga đã đầu tư 5 nghìn tỷ ruble (tương đương 45 tỷ USD) vào tiền mã hoá.

Giao dịch giữa đồng ruble và bitcoin đạt mức cao nhất trong 9 tháng vào ngày 24/2, theo công ty nghiên cứu CrytoCompare. Lưu lượng giao dịch giảm xuống còn 6,6 triệu USD vào hôm 3/3 song con số vẫn cao gấp đôi so với giai đoạn trước khi tranh chấp với Ukraine nổ ra.

Theo một báo cáo mới đây của Chainalysis, Nga xếp thứ 18 trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ đón nhận tiền mã hoá cao nhất.

Biện pháp nào có thể được áp dụng?

Chi tiết về các biện pháp mà Mỹ, EU và Nhật Bản áp dụng vẫn chưa được công bố. EU có thể sẽ yêu cầu các sàn giao dịch, các công ty liên quan đến phát hành tiền mã hoá hay cung cấp các dịch vụ liên quan không thực hiện giao dịch với Nga. Mỹ đưa ra cảnh báo với các sàn giao dịch không thực hiện giao dịch với các pháp nhân Nga nằm trong danh sách cấm vận.

Nhật Bản cũng đang cân nhắc các hành động của mình. Một chuyên gia từ Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản cho biết: "Tài sản mã hoá không có ý nghĩa trừ khi nó được đổi ra tiền mặt, vì vậy chính phủ có thể yêu cầu các sàn giao dịch chặn các khoản rút tiền của các cá nhân Nga".

Các biện pháp liệu có hiệu quả không?

Tài sản mã hoá được giao dịch qua các sàn giao dịch mã hoá có thể theo dõi dấu vết cá nhân dựa trên tài khoản ngân hàng đăng ký. Ngay cả vậy, nhiều sàn giao dịch lớn như Binance hay FTX, là các sàn giao dịch nước ngoài. Họ không có trụ sở hay địa điểm cố định, vì thế có thể dễ lọt qua các cơ quan quản lý toàn cầu.

Việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng rất khó khăn với các giao dịch trực tiếp và diễn ra bên ngoài các sàn giao dịch. Tính chất phi tập trung của bitcoin đảm bảo tính nặc danh và về mặt kỹ thuật không thể truy vết được giao dịch giữa các cá nhân.

"Các ứng dụng của nó hoàn toàn không thể quản lý được và cho dù một quốc gia có mạnh mẽ đến mức nào, việc theo dõi từng giao dịch trên máy tính là rất khó", ông Iwashita nói thêm.

Cộng đồng tiền mã hoá phản ứng như thế nào?

Hiệp hội Sàn giao dịch tài sản ảo và mã hoá Nhật Bản (JVCEA) bắt đầu thảo luận về các quy định mới từ giữa tuần trước, bao gồm việc có thể cấm các giao dịch trên sàn giao dịch liên quan đến Nga.

Ông Satoshi Hasuo, giám đốc JVCEA, nói với Nikkei rằng: "Chúng tôi đang làm việc với Cơ quan Dịch vụ Tài chính để cân nhắc các biện pháp cụ thể khi có thể".

Giữa cộng đồng tiền mã hoá, phản ứng cũng có sự khác biệt. Nhiều sàn giao dịch nói rằng lệnh cấm quá rộng sẽ ảnh hưởng đến người dùng Nga thông thường và đi ngược lại với nguyên lý của tiền mã hoá.

"Chúng tôi sẽ không đơn phương đóng băng tài khoản của hàng triệu người dùng vô tội", Binance chia sẻ hồi tuần trước khi được hỏi về cách xử lý các khách hàng Nga.

Nam Khánh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.