Muốn thu hút nhân tài, phải đặt ra được các bài toán khó
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, xung quanh câu chuyện này. Những câu trả lời ngắn gọn nhưng có lẽ cũng đủ để thấy vì sao FPT đã đào tạo, chiêu mộ được rất nhiều tài năng công nghệ.
ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT |
Trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông cho biết 10% trong tổng số chuyên gia AI trên thế giới là người Việt, điều này cho thấy có rất nhiều người Việt tài năng trong lĩnh vực này. Ngoài AI, rất nhiều chuyên gia khoa học công nghệ người Việt đang làm việc ở các quốc gia phát triển. Thưa ông, làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút người tài về làm việc?
Theo tôi, có 3 vấn đề cần chú trọng để thu hút được nhân tài. Thứ nhất cần có những bài toán khó để trao cho họ làm, tài năng phải phát triển từ việc giải những bài toán, không có đề bài khó thì cũng không có cơ hội phát huy. Thứ hai phải tạo điều kiện thuận lợi để họ không phải phân tán, lo nghĩ về những vấn đề khác, chuyên tâm nghiên cứu. Cuối cùng, cũng rất quan trọng, là đãi ngộ phải xứng đáng với tài năng.
Với thực tế tại FPT, ông đã thu hút, sử dụng người tài như thế nào?
FPT tin tưởng sâu sắc rằng điều quan trọng nhất là để cho người tài được làm chủ công việc của mình, có môi trường để phát huy hết tiềm năng và có đủ quyền để thực thi những ước mơ của mình.
Đó là phương thức quản trị của FPT. Lãnh đạo cần phải tìm những cơ hội, những công việc khó để giao cho những con người tài năng. Đó cũng là lý do vì sao mà FPT đã và đang tiếp cận với những thị trường khó nhất, những tập đoàn lớn nhất trên thế giới, với những bài toán mà chính họ cũng đang gặp vấn đề và chúng ta đứng ra giải quyết.
Theo ông vướng mắc lớn hiện nay để thu hút người tài trong lĩnh vực AI nói riêng, khoa học công nghệ nói chung phát huy tài năng là gì?
Tôi đã chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam rằng, sự phát triển của doanh nghiệp AI phụ thuộc nhiều vào nguồn dữ liệu, không có dữ liệu thông tin sẽ không có AI, người tài không về trong nước làm việc. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu năm 2019, Chính phủ có sẵn sàng đập bỏ tình trạng cát cứ về dữ liệu hay không?
Hệ thống dữ liệu hiện lẻ tẻ, nằm rải rác, phân tán ở khắp mọi nơi, do nhiều cơ quan quản lý, ngay trong một đơn vị thông tin cũng bó hẹp trong nhóm này, nhóm kia và không thể tiếp cận được. Hệ thống dữ liệu này là nguồn tài nguyên vô giá, nhưng hiện đang giống như dầu mỏ vẫn nằm trong ổ dầu mà không dùng được, cần phải hút lên, phải chế biến dầu để biến nó thành năng lượng. Dữ liệu cần được chia sẻ, khai thác cho nền kinh tế số.
Để quy tụ được nhân tài, vai trò của người lãnh đạo là không nhỏ. Một câu hỏi riêng, ông có quan điểm thế nào về đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận?
Chắc chắn là rất chú trọng. FPT là một trong những tập đoàn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho lớp lãnh đạo kế cận. Cách đào tạo tốt nhất là đưa họ vào chiến đấu. Lãnh đạo phải trưởng thành qua chiến đấu.
Trong câu chuyện với báo chí, Chủ tịch FPT đã có những phân tích khá thú vị từ thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam đến vấn đề khơi thông tiềm năng sức mạnh người Việt.
“Sự thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam là biểu hiện tuyệt vời về tiềm năng của đất nước, sức mạnh của người Việt. Câu chuyện của đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng đưa đến nhiều bài học.
Đầu tiên phải có “khát vọng”. Huấn luyện viên Park Hang Seo đặt rõ mục tiêu phải thắng bất kỳ một trận đấu nào, với bất kỳ đối thủ nào. Việt Nam rất cần khát vọng đó, phải vượt lên bất cứ mục tiêu nào đã đặt ra. Để phát triển, cần nhất phải có chung một khát vọng chiến thắng.
Thứ hai là vai trò quan trọng của người dẫn dắt. Thành công của bóng đá Việt Nam có vai trò của ông Park Hang Seo như người dẫn dắt đội bóng. Việt Nam cũng rất cần vai trò dẫn dắt của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Và thứ ba, có khát vọng, có nhà lãnh đạo tốt rồi, thì đội bóng phải cố hết sức, cố đến tận cùng sức mình có. Tương tự, các doanh nghiệp cũng phải tự thân nỗ lực hết mình vì mục tiêu cao của đất nước.
Doanh nghiệp Việt Nam hãy sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, có tinh thần hy sinh, làm việc hết mình, đau đáu về phát triển thị trường, công nghệ, quản trị, hết sức tính toán dùng trí tuệ Việt Nam để đi lên, bằng cách của Việt Nam để đi lên”.