Muốn 'nhồi' cao ốc vào khu Trung Hòa Nhân Chính, Vinaconex bị cư dân phản đối
Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch kiến trúc đã tăng mật độ lên hơn 50% so với ban đầu. ẢNH LÊ QUÂN
Cụ thể, theo phản ánh của hơn 700 hộ dân ở khu Trung Hòa Nhân Chính (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội), thời gian qua, cư dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua. Đến nay, việc phá vỡ quy hoạch khu đô thị này vẫn có dấu hiệu chưa dừng lại.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, Khu đô thị Trung Hoà Nhân Chính có diện tích 32 ha, do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, được phê duyệt lần đầu năm 1998, năm 2001 khởi công xây dựng, và đến 2006 đưa vào vận hành. Đây là dự án từng được coi là một trong những khu đô thị thương mại kiểu mẫu đầu tiên ở TP.Hà Nội.
Một phần khu đất dự kiến xây dựng tòa nhà cao 18 tầng, 3 tầng hầm ở ven đường Nguyễn Thị Định đang được cho sử dụng làm nhà hàng tiệc cưới khác với chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ Ảnh Lê Quân
Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998 thể hiện, mật độ xây dựng tại khu đô thị này là 34,88% với 8 tòa nhà cao trung bình từ 6,7 - 7,5 tầng. Sau gần 20 năm, qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay, mật độ xây dựng khu Trung Hòa Nhân Chính đã tăng lên hơn 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17 - 34 tầng.
Việc liên tục bị điều chỉnh, xây dựng theo hướng tăng mật độ khiến không ít cư dân ở khu Trung Hòa Nhân Chính lo ngại về nguy cơ thiếu hụt trầm trọng hạ tầng: cây xanh, bãi đỗ xe, trường học…
“Quy hoạch, xây dựng trong nhiều năm qua liên tục tăng thêm mật độ nhưng về hạ tầng cây xanh, đường đi, bãi đỗ xe, trường học… không hề tăng thêm, thậm chí bị thu hẹp đi. Chất lượng cuộc sống người dân ở khu Trung Hòa Nhân Chính đang bị đi xuống. Một số khu đất vốn được duyệt là công viên, cây xanh, thể thao nay trở thành nhà hàng, quán bia, sử dụng sai mục đích. Nay, Vinaconex lại đề xuất nhồi thêm tòa nhà 18 tầng, 3 tầng hầm vào nơi có mật độ dân số thuộc tốp những nơi đông dân nhất Hà Nội, thật là quá đáng!”, ông Nguyễn Văn Trinh (58 tuổi), cư dân khu Trung Hòa Nhân Chính, bức xúc.
Tăng gấp đôi mật độ vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại
Dẫn phóng viên đến tận khu đất rộng khoảng hơn 4.300 m2 dự kiến xây dựng tòa nhà 18 tầng, 3 tầng hầm, bà Nguyễn Bích Ngọc (55 tuổi), một cư dân khu Trung Hòa Nhân Chính, cho hay việc điều chỉnh quy hoạch đến nay đã tăng gấp đôi mật độ ban đầu mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Lô đất này trước đây được phê duyệt làm Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ, có chiều cao trung bình 2,81 tầng, nhưng vừa qua, Vinaconex lại đề xuất xây dựng tòa nhà 18 tầng nổi, 3 tầng hầm. Cay đắng nhất là đề xuất tăng mật độ như vậy lại được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận”, bà Ngọc nói.
Nhiều người dân ở khu Trung Hòa Nhân Chính bày tỏ phản đối gay gắt việc xây thêm tòa cao ốc giữa khu đô thị có mật độ đông đúc này. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, cần dành khu đất dự kiến xây dựng tòa nhà 18 tầng làm công viên, khu vui chơi, để giảm tải áp lực, gia tăng không gian công cộng.
Mặt đường Nguyễn Thị Định đoạn đi qua ô đất Vinaconex đề xuất xây dựng tòa nhà 18 tầng Ảnh Lê Quân |
Liên quan sự việc trên, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội, thông tin Vinaconex đề xuất xây dựng tòa nhà cao 24 tầng, tuy nhiên, xét thấy quy mô diện tích, hình dáng kích thước khu đất có chiều ngang mỏng, để hình khối công trình phù hợp giữa chiều cao với chiều rộng, Sở này đã chấp thuận phương án xây dựng 18 tầng, chia thành 2 khối nhà; mật độ xây dựng tăng từ 34,8% lên 50% của ô đất rộng hơn 4.300 m2; bố trí 3 tầng hầm; chức năng công trình là gara, văn phòng, thương mại, dịch vụ (để trình UBND TP.Hà Nội duyệt - phóng viên). |
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó giám đốc phụ trách Ban Đầu tư, Tổng Công ty Vinaconex, lý giải tình trạng hiện nay tại khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đang bị thiếu trầm trọng bãi đỗ xe, ô tô đỗ tràn lan ở đường nội bộ, gây mất mỹ quan, khó khăn về giao thông. Vinaconex đã xem xét toàn bộ khu đô thị, thấy rằng chỉ còn ô đất này phù hợp để xây dựng công trình kết hợp có bãi đỗ xe. Ô đất này đã có sổ đỏ cấp cho Tổng Công ty Vinaconex.
Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó giám đốc phụ trách Ban Đầu tư Vinaconex, trao đổi thông tin với báo chí về dự án. Ảnh Lê Quân |
Theo ông Thắng, thời gian qua, Vinaconex đã tổ chức 2 cuộc họp với người dân ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tại 2 cuộc họp này, cư dân đều bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt việc xây dựng tòa nhà.
“Tôi cho rằng, nhiều người chưa hiểu được hết dự án cũng như quan điểm vì cộng đồng của dự án này do Vinaconex đầu tư là đáp ứng bãi đỗ xe cho cộng đồng cư dân. Tại các cuộc họp, đại diện Vinaconex chưa có cơ hội trình bày hết ý tưởng dự án cho cộng đồng cư dân hiểu. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại thêm với cộng đồng cư dân xung quanh dự án để người dân hiểu hơn về dự án này, tạo ý kiến đồng thuận. Còn về khả năng có được tiếp tục thực hiện dự án hay không sẽ tùy thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng của UBND TP.Hà Nội. Hiện, cơ quan chức năng chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 của khu vực này", ông Thắng nói.