|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Muốn hoàn thành kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải cần giải ngân mỗi tháng gần 8.000 tỷ đồng

06:46 | 01/02/2023
Chia sẻ
Phát biểu tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng.

"Tháng 1/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã phân khai chi tiết gần hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Dù khối lượng giải ngân còn khiêm tốn mới đạt 1.700 tỷ đồng (chiếm 1,81%), song việc Bộ Giao thông Vận tải chủ động phân khai sớm sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có cơ sở tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng tốc giải ngân ngay từ đầu năm”, Bộ trưởng cho hay.

Xác định việc “tiêu” số vốn kỷ lục là rất khó với khối lượng giải ngân hàng tháng gần 8.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng, kết quả giải ngân muốn đạt được cao nhất, các đơn vị không còn cách nào khác là phải tập trung dồn lực ngay từ đầu.

"Giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Giao thông Vận tải xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Bước vào năm 2023, ngành giao thông thông vận tải tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ đã dành 6 ngày liên tiếp dịp đầu Xuân (từ ngày 4 - 10/1 âm lịch) để thăm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

“Tại chuyến đi này, cách thức chỉ đạo, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Đây xem như một niềm vui, niềm cổ vũ đầu năm mới, giúp ngành có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy việc đầu tư hạ tầng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm; trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vừa thi công, vừa thực hiện quy trình thủ tục đối với các mỏ xin cấp phép khai thác mới.

“Giai đoạn đầu thi công, việc xin cấp phép khai thác mỏ mới phải chờ hoàn thiện thủ tục, các nhà thầu cần tận dụng tối đa các mỏ vật liệu đã được cấp phép khai thác, phối hợp với chủ đầu tư làm việc với các địa phương để ổn định trữ lượng, giá cả hợp lý, tạo thuận lợi để bứt tốc sản lượng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ban quản lý dự án liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành,…

Đánh giá về tình hình kiểm soát tai nạn giao thông, theo Tư lệnh ngành giao thông vận tải, thời điểm đầu năm, hoạt động vận tải trên cả nước diễn biến sôi động với sản lượng vận tải, đặc biệt là vận tải khách tăng rất cao. Điều đáng mừng là trong bối cảnh đó, tai nạn giao thông vẫn được kéo giảm sâu trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2022.

“Cần phải nói thêm, tháng 1/2023 rơi vào đúng dịp Tết Nguyên đán, khác hẳn với tháng 1/2022 nhưng số vụ, số người chết, số người bị thương vẫn được kiểm soát, giảm sâu. Đây là sự chuyển biến rất lớn và rất tích cực”, Bộ trưởng nhận định.

Với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ: Tai nạn giao thông muốn kéo giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cốt lõi vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước.

Thời gian tới, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong giám sát thực hiện quy định của các phương tiện, doanh nghiệp vận tải cần phải được tăng cường.

“Quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên phương tiện vận tải đã được triển khai, thời gian tới phải siết chặt việc thực hiện, tận dụng tối đa các công cụ này để quản lý vấn đề an toàn trên hành trình di chuyển, đặc biệt là quản lý thời gian điều khiển phương tiện của lái xe.  Muốn quy định thời gian hoạt động của lái xe được thực hiện nghiêm, việc đầu tư trạm dừng nghỉ cũng rất quan trọng.

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phải đẩy nhanh nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư hạng mục công trình này, không để tình trạng có đường cao tốc nhưng không có trạm dừng nghỉ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quang Toàn

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.