|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức phí cao tốc do nhà nước đầu tư được tính thế nào?

20:11 | 17/10/2024
Chia sẻ
Mức phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư được tính toán đảm bảo bù đắp chi phí quản lý, vận hành và hài hòa với lợi ích, khả năng chi trả của người dân.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác. 5 nhóm xe phải chịu phí, chia làm hai mức. Trong đó mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn; mức 2 với cao tốc chưa đạt chuẩn như chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp, đường gom...

Mức phí cụ thể như sau (đơn vị đồng/km):

Nhóm Phương tiện chịu phí Mức 1 Mức 2
1 Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải hành khách công cộng 1.300 900
2 Xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn 1.950 1.350
3 Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn 2.600 1.800
4 Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe container dưới 40 feet 3.250 2.250
5 Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container từ 40 feet trở lên 5.200 3.600

11 cao tốc do nhà nước đầu tư trước năm 2020 sẽ thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là những cao tốc chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới tổ chức thu phí. Mức phí đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân.

Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, phương án tài chính của dự án và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới. "Mức thu đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu thận trọng, tránh tác động đến chỉ số CPI và chi phí logistics", ông Thái nói.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Lê Hoàng

Bộ Giao thông Vận tải đã phân tích chi phí vận hành, thời gian lưu thông của ôtô trên 11 cao tốc. Kết quả cho thấy so với đi trên quốc lộ song hành, phương tiện đi cao tốc sẽ tiết kiệm 25% chi phí vận hành và 75% thời gian vận chuyển.

Trong các loại phương tiện, xe khách từ 30 chỗ trở lên chạy cao tốc được hưởng lợi lớn nhất là 14.132 đồng/km; xe tải dưới 2 tấn đạt lợi ích thấp nhất là 1.174 đồng/km so với chạy trên quốc lộ song hành. Lợi ích bình quân là 2.616 đồng/xe quy đổi (PCU) cho mỗi km.

Bộ Giao thông Vận tải đã tham khảo thông lệ quốc tế, thấy rằng người dân thường sẵn sàng chi trả mức phí tương đương 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng cao tốc. Vì thế Bộ đề xuất mức phí từ 1.300 đến 5.200 đồng cho mỗi km đối với từng nhóm xe, tương đương 70% lợi ích đạt được khi sử dụng cao tốc.

Nếu so sánh, mức phí cao tốc do nhà nước đầu tư thấp hơn phí của doanh nghiệp BOT. Trong số dự án do nhà nước đầu tư, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mỹ Thuận - Cần Thơ có quy mô, tiêu chuẩn tương đương cao tốc do doanh nghiệp BOT đầu tư như Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Mức phí các dự án BOT đang áp dụng từ 1.700 đến 6.400 đồng/km.

Mức phí so sánh cụ thể như sau (đơn vị đồng/km):

Nhóm xe Cao tốc do nhà nước đầu tư Diễn Châu - Bãi Vọt Nha Trang - Cam Lâm Cam Lâm - Vĩnh Hảo
1. Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải hành khách công cộng 1.300 1.700 1.669 1.669
2. Xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn 1.950 2.210 2.160 2.160
3. Xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn 2.600 2.890 2.837 2.837
4. Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe container dưới 40 feet 3.250 4.590 4.506 4.506
5.Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container từ 40 feet trở lên 5.200 6.460 6.342 6.342

Thu phí cao tốc tác động xã hội thế nào?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, người dân, doanh nghiệp sẽ mất thêm chi phí sử dụng cao tốc, tuy nhiên được thụ hưởng những giá trị, dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.

Nếu không chạy cao tốc, người tham gia giao thông có quyền di chuyển trên các quốc lộ chạy song song. Việc thu phí sử dụng cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên cao tốc do nhà nước đầu tư, quản lý và khai thác không gây phí trùng phí.

Đối với cơ quan quản lý, việc thu tiền sử dụng cao tốc thông qua trạm thu phí là một trong các giải pháp để tăng cường quản lý, kiểm soát giao thông. Trường hợp không tổ chức thu phí sử dụng thông qua trạm, tài xế sẽ có xu hướng tập trung đi cao tốc, dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, gây ách tắc như tuyến TP HCM - Trung Lương, khiến tuyến đường nhanh xuống cấp.

Nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm giảm vận tốc lưu thông, giảm hiệu quả khai thác cao tốc.

Thu phí cao tốc tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống cao tốc, bù đắp chi quản lý và bảo trì đường. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước. Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời gian tới sẽ thu phí 11 dự án cao tốc đang khai thác, dự kiến thu được 3.210 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách nhà nước 2.850 tỷ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đoàn Loan