Mức độ sử dụng đòn bẩy của các công ty chứng khoán vẫn thấp
Báo cáo phân tích mới đây của VIS Rating cho thấy các công ty lớn dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành chứng khoán nhờ thu nhập từ cho vay ký quỹ và đầu tư, hỗ trợ bởi các đợt tăng vốn lớn.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) toàn ngành tăng từ 4,3% trong năm 2023 lên 4,9% trong 9 tháng đầu năm, trong đó các công ty chứng khoán (CTCK) lớn tăng trưởng vượt trội so với các đơn vị cùng ngành về lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định.
Số trái phiếu chậm trả và các cam kết mua lại trái phiếu giảm dần đã giúp giảm rủi ro tài sản cho các CTCK. Thanh khoản duy trì ổn định mặc dù các công ty tăng vay nợ ngắn hạn để mở rộng cho vay ký quỹ. VIS Rating kỳ vọng việc tăng vốn của các thành viên có liên kết với ngân hàng và các CTCK lớn trong nước sẽ củng cố bộ đệm rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng.
Lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư vào công cụ có thu nhập cố định đã giúp CTCK quy mô lớn tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành. ROAA của CTCK quy mô lớn tăng lên 5,4% trong 9 tháng, từ 4,3% năm trước, cao hơn trung bình ngành.
Về cho vay ký quỹ, CTCK quy mô lớn ghi nhận tăng trưởng dư nợ vay ký quỹ mạnh mẽ kèm lãi suất cho vay cao hơn so với các công ty cùng ngành, nhờ quy mô vốn lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp.
Bên cạnh đó, các đơn vị này thường có danh mục đầu tư công cụ có thu nhập cố định lớn nhất trong ngành, và hưởng lợi từ điều kiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp cải thiện với sự gia tăng lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu và phí dịch vụ lưu ký (ví dụ: TCBS, VPBankS, VNDirect).
Ngược lại, ROAA của các CTCK quy mô vừa (ví dụ: SHS, BSC, VDSC) giảm 2% so với quý trước, chủ yếu do giảm giá trị của các khoản đầu tư cổ phiếu. Tăng trưởng cho vay ký quỹ của CTCK quy mô vừa cũng chậm hơn so với công ty lớn do hạn chế về vốn và mạng lưới khách hàng.
VIS Rating kỳ vọng hơn một nửa trong số 251 công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. ROAA của ngành cả năm 2024 được kỳ vọng sẽ cải thiện 50-70 điểm cơ bản so với năm trước, đạt mức 4,8%-5%.
Rủi ro tài sản của ngành giảm dần, nhờ việc giảm trái phiếu chậm trả gốc lãi và các cam kết mua lại trái phiếu. Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã giảm cam kết mua lại trái phiếu khoảng 30% trong 9 tháng đầu năm, sau khi các tổ chức phát hành trong ngành năng lượng và bất động sản đã hoàn thành thanh toán gốc lãi mà trước đó chậm trả.
Hơn 20% CTCK trong phân tích của VIS Rating có khẩu vị rủi ro cao do đầu tư nhiều trái phiếu doanh nghiệp. Rủi ro tài sản từ các khoản đầu tư này giảm dần so với năm trước nhờ vào tỷ lệ trái phiếu chậm trả giảm dần và tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả được cải thiện.
Trong khi đó, các khoản cho vay ký quỹ cho các khách hàng lớn tiếp tục tăng trong quý III, làm gia tăng rủi ro cho CTCK nếu buộc phải bán giải chấp tài sản đảm bảo trong giai đoạn giảm giá của thị trường chứng khoán, như đã xảy ra trong quý IV/2022.
Mức độ sử dụng đòn bẩy trong ngành vẫn thấp, nhờ vào các đợt tăng vốn lớn. Việc tăng vốn mạnh mẽ của các CTCK trong nước (như VIX, VNDirect, MBS) trong quý III đã củng cố bộ đệm rủi ro và duy trì tỷ lệ đòn bẩy của ngành ở mức thấp khoảng 230%.
Chứng khoán ACB (ACBS) cũng tiếp tục được đề xuất tăng vốn và dần đóng vai trò quan trọng hơn trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng mẹ (ACB). Đối với Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), việc tăng thêm vốn mới sẽ hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh và duy trì tỷ lệ cho vay ký quỹ dưới mức giới hạn quy định là 200% vốn chủ sở hữu.
Cùng với các đợt huy động vốn tiếp theo từ các công ty trong nước (SSI, SHS, Vietcap), VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ đòn bẩy trong ngành sẽ giảm trong các quý tới. Nhìn chung, chỉ có 10% các công ty có mức đòn bẩy cao do hạn chế trong việc huy động vốn hoặc có nhiều cam kết mua lại trái phiếu từ khách hàng.
Rủi ro thanh khoản từ tăng nợ vay ngắn hạn của một số công ty có vốn nước ngoài và công ty liên kết với ngân hàng vẫn được kiểm soát tốt. Ví dụ, CTCK có liên kết với ngân hàng (CTS, TPS) có khả năng tiếp cận hạn mức tín chấp từ các ngân hàng trong nước, trong khi các công ty có vốn nước ngoài (Mirae Asset Việt Nam, KIS Việt Nam) được hưởng lợi từ hỗ trợ của công ty mẹ.
Bên cạnh đó, tài sản thanh khoản như tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi của các ty này cũng chiếm khoảng 15-30% tổng tài sản. Rủi ro tái cấp vốn đến từ các khoản vay khách hàng tổ chức và cá nhân giảm dần cho TCBS, nhờ tăng phát hành trái phiếu dài hạn gấp 4 lần năm ngoái.
“30% các công ty có hồ sơ thanh khoản mạnh, phần lớn là CTCK có liên kết với ngân hàng hưởng lợi từ các đợt tăng vốn gần đây và ít phụ thuộc vào các khoản nợ vay ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động đầu tư cốt lõi”, báo cáo của VIS Ratings nêu.