Mua nhà nước ngoài: Siết hay mở?
Ảnh: vneconomy.vn
Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Dự án luật này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dữ liệu cho thấy xu hướng người Việt mua nhà ở nước ngoài ngày càng tăng.
Chẳng hạn, năm 2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ công bố trong báo cáo Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017. Theo đó, người Việt đã bỏ ra 3 tỉ USD để mua nhà ở Mỹ, đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ.
Người Việt đầu tư bất động sản ở nước ngoài với nhiều lý do. Nhiều gia đình mua nhà cho con du học; một số người khác thì mua để đầu tư cho thuê, có người mua theo dạng căn nhà thứ 2.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình sở hữu bất động sản kèm theo các quyền lợi về nhập tịch, điều kiện sống, học tập, khám chữa bệnh, phúc lợi xã hội ở mức cao... cũng thu hút dòng tiền của giới nhà giàu tại Việt Nam.
Ví dụ, trong chương trình thu hút đầu tư vào Hy Lạp gần đây, theo bà Phoebe Huynh, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Công ty Tư vấn Denzell, Chính phủ Hy Lạp đang có chính sách ưu đãi đầu tư để nhận được thẻ định cư. Giá một căn nhà tại Hy Lạp, quốc gia đang phục hồi sau khủng hoảng, khá mềm chỉ từ 6,8 tỉ đồng (250.000 euro).
“Chúng tôi thấy số lượng quan tâm và tham gia giao dịch của khách hàng người Việt đến Hy Lạp ngày càng tăng. Trong đó, người miền Bắc chiếm số lượng nhiều hơn so với trong Nam, có lẽ do khách hàng trong này khá kỹ tính”, bà Phoebe Huynh nhận xét.
Để tăng tính hấp dẫn, một số dự án thương mại được chủ đầu tư cam kết với tỉ suất lợi nhuận 6%/năm và người mua lại thêm cơ hội sở hữu từ triển vọng tăng giá của bất động sản, theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Còn đối với nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, theo thông tin từ USHome, một đơn vị tư vấn đầu tư vào bất động sản tại Mỹ, trong 2 năm qua, đã hỗ trợ cho 200 nhà đầu tư với trên 15 kênh đầu tư và lợi nhuận trung bình đạt được từ các kênh là 15-25% (tùy dự án), có dự án lợi nhuận lên đến 28-31%/năm.
Đại diện IMM Property, thành viên Tập đoàn IMM Group, cho biết, Mỹ, Úc, Cộng hòa Síp là 3 trong số những thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư Việt khi rót tiền vào bất động sản nước ngoài. Mặt khác, Singapore và Thái Lan cũng là địa điểm ưa thích của dòng vốn mua nhà từ Việt Nam.
Báo cáo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, phần lớn dự án trong lĩnh vực này do cá nhân đăng ký thực hiện gồm 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài và đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.
Do vậy, việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình.
Luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài, nhưng khi mua nhà ở nước ngoài thì gặp phải hạn chế nhất định khi chuyển tiền ra nước ngoài.
Theo quy định, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là để thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ hợp lệ, có mục tiêu đầu tư, kinh doanh rõ ràng và phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ căn cứ vào tính hợp lệ và các điều kiện theo quy định, nếu đáp ứng mới cấp.
Quy định này nhằm tránh nạn rửa tiền thông qua đầu tư bất động sản ra nước ngoài, ở những quốc gia không yêu cầu chứng minh nguồn gốc vốn.
Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều lo ngại về tình trạng lợi dụng khoản đầu tư vào bất động sản hạng sang để rửa tiền. Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, bất động sản là một thị trường mà các đối tượng có thể lợi dụng để rửa tiền bẩn, những nguồn tiền bất hợp pháp từ buôn lậu, tham nhũng... thành tiền sạch.
Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư bất động sản tại nước ngoài, theo ý kiến của nhiều chuyên gia là cần cân nhắc thấu đáo hơn. Đặc biệt, là với những người dân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp. Mặt khác, tại nhiều nước phát triển, việc kiểm soát dòng tiền, thuế mua nhà cũng rất chặt chẽ.
Việt Nam đang mở rộng đầu tư thương mại đa phương. Vì thế, cần tạo thuận lợi để người dân có thể đầu tư bất động sản ra nước ngoài theo con đường chính ngạch. Qua đó, Nhà nước sẽ kiểm soát được dòng tiền đầu tư và bảo vệ được người tiêu dùng.
Do đó, Chính phủ nên xây dựng một khuôn khổ pháp lý cụ thể nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư bất động sản tại nước ngoài. Thay vì hạn chế, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ dòng tiền và tránh những tổn thất cho các nhà đầu tư.