Mùa đại hội cổ đông ngân hàng lại nóng biến động nhân sự cấp cao
Mùa đại hội đồng cổ đông, bên cạnh kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, các thương vụ mua bán - sáp nhập, việc thay đổi nhân sự cao cấp dự báo sẽ làm nóng hội trường của các nhà băng trong năm 2022.
Đáng chú ý, trong kỳ đại hội này, nhiều sếp ngân hàng sẽ phải lựa chọn vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng hay doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chốt lịch tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 4. Dù ngân hàng chưa công bố tài liệu đại hội, nhưng tại kỳ đại hội này, SHB sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022 - 2026.
Khi đó, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phải đưa ra quyết định chọn "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Chủ tịch HĐQT ngân hàng, bà Lê Thị Băng Tâm nhiều khả năng trong kỳ đại hội lần này sẽ phải đưa ra lựa chọn giữa HDBank và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo nội dung dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ngân hàng trình cổ đông thông qua việc bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027. HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trong cuộc họp tới đây cũng sẽ bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2026. Dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Ban Kiểm soát dự kiến số lượng là 4 thành viên.
Hiện nay, HĐQT của Sacombank bao gồm 7 thành viên là ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Văn Phong (Phó Chủ tịch thường trực HĐQT), ông Nguyễn Miên Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT), bà Lê Thị Hoa (Thành viên HĐQT độc lập), bà Nguyễn Đức Thạch Diễm (TV HĐQT kiêm Tổng giám đốc), ông Nguyễn Xuân Vũ và ông Nguyễn Văn Huynh.
Nhiều ngân hàng thay thế nhân sự cấp cao
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã ra hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự cấp cao có thể kể đến như ACB, ABBank, MB, Techcombank, Eximbank,...
Ngay đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát giữ chức vụ Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2022 – 2025 thay cho ông Đỗ Minh Toàn, người đã nắm giữ vị trí này 9 năm kể từ năm 2012.
Không lâu sau đó, ông Nguyễn Khắc Nguyện, Giám Đốc Khối Quản Trị Nguồn Nhân Lực ACB cũng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc ACB.
Hay tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng đã bổ nhiệm ông Alexandre Macaire vào vị trí Giám đốc Khối Tài chính (CFO), kế nhiệm ông Trịnh Bằng - người đã đảm nhận vị trí Giám đốc Khối Tài chính Techcombank trong 4 năm qua.
Techcombank là một trong những ngân hàng có số nhân sự người nước ngoài tham gia nhiều nhất vào ban lãnh đạo. Trong đó, hội đồng quản trị có 2 trên 9 người gồm ông Lee Boon Huat và ông Saurabh Narayan Agarwal. Ban điều hành có 8 trên 16 nhân sự.
Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng có sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp. Theo đó, HĐQT ngân hàng quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Lê Hải vì nguyện vọng cá nhân.
Đồng thời giao ông Nguyễn Mạnh Quân, hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực, đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBank. Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 3/3/2022.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) gần đây đã bổ nhiệm thêm nhân sự 8x vào Ban điều hành.
Cụ thể, HĐQT ngân hàng quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Học (sinh năm 1980), Giám đốc Khối Công nghệ thông tin kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tập đoàn làm Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tập đoàn - Ngân hàng MB. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ 14/3/2022.
Song, tâm điểm chú ý của ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm 2022 là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) khi ngân hàng này chính thức chốt được ghế nóng Chủ tịch HĐQT sau một thời gian dài xảy ra xung đột thượng tầng.
Vào giữa tháng 2 vừa qua, bà Lương Thị Cẩm Tú đã chính thức quay trở lại Eximbank và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Trước đó, vào tháng 3/2019, bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng thay cho ông Lê Minh Quốc.
Việc thay đổi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp tại các ngân hàng diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây. Những biến động này thường nhộn nhịp hơn hẳn trước thềm Đại hội cổ đông.
Điều này có ảnh hưởng nhất định tới chiến lược, mục tiêu và định hướng của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, giới đầu tư và cổ đông cũng rất quan tâm đến những biến động này, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” cũng phần nào tác động lên giá cổ phiếu.
Dự báo sắp tới làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng sẽ tiếp tục biến động, đặc biệt là trong mùa ĐHĐCĐ tới đây.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/