|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

MSB ghi nhận hai khoản thu bất thường hơn 800 tỷ trong quý II

10:50 | 10/06/2024
Chia sẻ
Ngân hàng dự kiến sẽ thu hồi được 1.700 tỷ đồng từ các khoản nợ xấu trong năm 2024, riêng quý II đã ghi nhận hơn 800 tỷ đồng thu nhập bất thường từ hoạt động này.

Thu nhập bất thường từ thu hồi nợ và thoái vốn công ty tài chính

Trong báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng thu nhập bất thường từ thu hồi nợ xấu và thoái vốn công ty tài chính TNEX Finance.

Cụ thể trong quý II, MSB đã thu về hai khoản thu bất thường có giá trị hơn 800 tỷ đồng từ nợ đã được xử lý. Ngân hàng dự kiến năm nay tổngkhoản thu nhập bất thường từ việc thu hồicác khoản nợ đã xử lý khoảng 1.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, MSB cũng đang tiến hành kế hoạch bán công ty tài chính TNEX Finance, được đổi tên từ FCCOM. Hiện ngân hàng đang làm việc với bên tư vấn McKinsey để xây dựng chiến lược phát triển mô hình tín dụng số mới trong 6 tháng - một năm tới. Báo cáo cũng đề cập tới ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm tới công ty tài chính này.

Theo các chuyên gia phân tích, với định giá ước tính đạt 1.800 - 2.000 tỷ đồng, TNEX Finance được xem là “của để dành” của MSB trong tương lai, tuy nhiên với tiến độ hiện tại khả năng thương vụ này chỉ có thể hoàn thành từ năm 2025.

 Nguồn: MSB, VCBS tổng hợp.

Trong quý I, lợi nhuận của MSB tăng trưởng tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng cao và thu nhập ngoài lãi mở rộng. Cuối quý, quy mô tín dụng của MSB đã tăng 4,7% so với đầu năm đạt khoảng 158.000 tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 0,26% của toàn hệ thống.

Trong đó, cho vay khách hàng đạt 156.000 tỷ đồng (tăng 4,7%) và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không thay đổi so với cuối 2023, đạt 1.525 tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp lớn tăng 13,9% là người dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, dư nợ SME tăng 2,1%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng cá nhân giảm 7,4%. Nhóm ngành bất động sản và xây dựng chiếm 21,8% tổng dư nợ tín dụng, tăng lên so với mức 17,6% cuối năm 2023.

VCBS kỳ vọng MSB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% cho năm 2024, với động lực đến từ hai phân khúc chiến lược là bán lẻ và doanh nghiệp SME.

Chất lượng tài sản ảnh hưởng bởi tỷ trọng cho vay BĐS cao

Trong quý đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của MSB tăng nhanh, trong đó nợ xấu CIC kéo theo chiếm 0,38%, nợ xấu trước CIC trên 60% đến từ khách hàng cá nhân vay mua nhà và vay qua thẻ tín dụng, còn lại là nợ xấu từ khách hàng doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành xây dựng, hàng công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, điểm tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 đi ngang (1,75%), giảm đáng kể so với mức 3,25% của quý III/2023 và là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng đang hồi phục.

Chi phí trích lập dự phòng ghi nhận 541 tỷ đồng (tăng 34% cùng kỳ), trong đó MSB đã sử dụng 246 tỷ đồng xóa nợ xấu trong kỳ. Tỷ lệ bao nợ xấu ở mức 54%, giảm nhẹ so với cuối năm 2023.

Biến động tỷ lệ nợ xấu theo cách tính dư nợ nhóm 3-4-5 trên tổng dư nợ.

Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ít biến động để cải thiện danh mục tín dụng, đồng thời tích cực xử lý nợ tồn đọng đưa ra khỏi bảng cân đối từ quỹ dự phòng, bên cạnh giải pháp thắt chặt cho vay để đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp. 

Hiện MSB đang trong quá trình hoàn tất xử lí các vấn đề với nợ tái cơ cấu và đã xử lí xong các khoản đảm bảo với Vinashin và Vinalines, tỷ lệ tài sản không sinh lời giảm xuống 5,6% so với mức 8,6% cuối năm 2022. 

Cuối tháng 3, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 khoảng 559 tỷ đồng (chiếm 0,36% dư nợ), dư nợ tái cơ cấu thông thường theo Thông tư 11 khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,7% dư nợ), trong đó có khoảng 900 tỷ đồng là nợ tái cơ cấu cho Vietnam Airlines theo chỉ định của Chính phủ.

Các chuyên gia của VCBS cho rằng với danh mục tín dụng tập trung vào cho vay doanh nghiệp, lợi nhuận của MSB sẽ chịu tác động tiêu cực khi nợ xấu gia tăng trong trường hợp tình hình vĩ mô không thuận lợi. 

H.T