Một thương hiệu cà phê Việt mời luật sư sau cáo buộc từ TikToker về sản phẩm có chất gây ung thư
Trong một video đăng ngày 19/10, một tài khoản TikToker có hơn 100.000 người theo dõi và hơn 5 triệu lượt thích đã tố sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo của Laura Coffee có chất gây ung thư.
Người này nói: “Ai đang đăng clip về cà phê đông trùng hạ thảo thì nên gỡ bài liền vì không tốt cho người tiêu dùng. Trong sản phẩm này có chất tạo ngọt 951. Đây là chất mà WHO cảnh báo có nguy cơ gây ung thư.
Trong gói cà phê 18g thì bột đông trùng hạ thảo chỉ chiếm đâu đó 0,5%. Và khả năng ngăn ngừa ung thư, tiểu đường và chống lão hoá chỉ được nghiên cứu trên động vật chứ chưa phải con người. Nếu đúng như những gì thương hiệu này nói đến công chúng thì đây hoàn toàn là không phải sự thật”.
Theo TikToker này, sở dĩ thương hiệu cà phê đông trùng hạ thảo của Laura Coffee phổ biến trên thị trường là do thuê nhiều TikToker quảng cáo.
Sau một ngày đăng tải, video này đã có gần 5 triệu lượt xem, hơn 6.000 bình luận và 14.000 lượt chia sẻ lại.
Về phía Laura Coffee, trên kênh truyền thông Fanpage, thương hiệu này khẳng định sản phẩm tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời gọi những hành vi trên là “vu khống” về chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp cho biết đang cùng đội ngũ pháp lý và các luật sư phối hợp cơ quan chức năng để sử dụng các biện pháp pháp lý cần thiết xử lý đối với những cá nhân và tổ chức phát tán thông tin sai lệch, vu khống uy tín sản phẩm Laura Coffee.
Bà Nhật Kim Anh (ca sĩ) - sáng lập thương hiệu Laura Coffee cũng phản ứng trên trang Facebook cá nhân, gọi đây là những “cáo buộc sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội”.
“Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật, công nghệ và dây chuyền sản xuất cũng như cấu tạo thành phần của sản phẩm đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Kim Anh cho hay.
Chất tạo ngọt 951 là gì?
Aspartame (APM) là một chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide được sử dụng như một chất thay thế đường trong một số thực phẩm và đồ uống. Ở Liên minh châu Âu, nó được viết tắt là E951.
Ngày 13/7, WHO thông báo xếp aspartame vào danh sách các chất "có thể gây ung thư cho con người" nhưng lưu ý chất này vẫn an toàn nếu được tiêu thụ trong giới hạn khuyến nghị hằng ngày.
Thông báo này được đưa ra bởi ba đơn vị gồm Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Chuyên gia Liên hợp về Phụ gia Thực phẩm (JECFA).
IARC xếp aspartame vào nhóm “có thể gây ung thư cho con người” (Nhóm 2B) dựa trên bằng chứng hạn chế về khả năng gây ung thư ở người, trong khi JECFA khẳng định mức tiêu thụ hàng ngày an toàn là 40 mg/kg trọng lượng cơ thể.
Hai cơ quan này đã tiến hành đánh giá độc lập nhưng bổ sung cho nhau, nhằm xem xét các rủi ro tiềm tàng liên quan đến việc tiêu thụ aspartame. Đây là lần đầu tiên IARC đánh giá aspartame, và là lần thứ ba của JECFA.
Sau khi xem xét tài liệu khoa học, cả hai cơ quan đều ghi nhận những hạn chế trong bằng chứng về ung thư và các tác động sức khỏe khác.
Theo CNN, aspartame là một trong những chất tạo ngọt nhân tạo từ thập niên 1980 được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nó xuất hiện trong nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống như nước ngọt, kẹo cao su, kem, sữa chua, ngũ cốc, kem đánh răng và thuốc.
Theo Hội đồng Kiểm soát calo, một hiệp hội quốc tế đại diện cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống ít hoặc không calo, aspartame có trong khoảng 6.000 sản phẩm trên toàn cầu.
Aspartame có thể xuất hiện ở những nơi ít ngờ tới như kem đánh răng hoặc thuốc, nhưng thường gặp nhất là trên các nhãn sản phẩm “ăn kiêng” hoặc “không đường.” Các loại nước ngọt như Diet Coke, Coke Zero và Pepsi Zero Sugar đều chứa aspartame, cũng như các chất làm ngọt cà phê ít calo như Equal và NutraSweet, cùng một số loại nước trái cây.
Trong thực phẩm, aspartame thường có trong nước sốt salad không đường, kem ít calo, thạch và các món tráng miệng như Jell-O Sugar Free Instant Pudding. Nó cũng có trong kẹo cao su không đường như Extra.
Mặc dù WHO đã khuyến cáo riêng vào tháng 5 rằng không nên dựa vào chất tạo ngọt không đường để kiểm soát cân nặng, aspartame vẫn thường được dùng trong đồ uống “ăn kiêng” vì chứa ít calo hơn đường. So với đường thông thường, aspartame ngọt hơn khoảng 200 lần, nên các sản phẩm chỉ cần một lượng nhỏ.
Về vụ việc xảy ra với Laura Coffee và TikToker nói trên, hiện cơ quan chức năng chưa có phát ngôn chính thức. Tuy nhiên, nội dung không đúng sự thật lan truyền trên nền tảng này là một vấn đề tồn tại từ lâu của TikTok.
Tại sự kiện diễn ra tháng 4 năm ngoái, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết những sai phạm trên TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.