|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Một doanh nghiệp Việt Nam nghi bị đối tác Hà Lan lừa đảo

07:30 | 29/10/2020
Chia sẻ
Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan (Bộ Công Thương) cho biết ngày 26/10 cơ quan nhận được đề nghị của một doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra một doanh nghiệp Hà lan trong giao dịch nhập khẩu gỗ.

Doanh nghiệp Hà Lan có tên là R.Van Ree Beheer B.V; địa chỉ tại Corneillelaan 2, 1181 LG Amstelveen, Netherlands; điện thoại di động sử dụng whatsap +31644727115 và số cố định +31-20-8946374 (như ghi trên email giao dịch) website https://rvrbbv.com và số cố định +31-20-2623927 (như ghi trên website). Khi truy cập website thấy quảng bá bán nhiều loại nông sản và gỗ, trông rất bắt mắt.

Đối tác này yêu cầu công ty Việt Nam đặt cọc 50% tiền hàng, sau đó lại yêu cầu thanh toán chuyển tiền tiếp 50% còn lại trị giá hợp đồng; rồi tiếp tục yêu cầu phải thanh toán 5.000 USD do hàng bị giữ tại cảng.

Doanh nghiệp Việt Nam do đã thanh toán đủ 100% tiền hàng nên không đồng ý chuyển tiền thêm nữa và viết thư đề nghị Thương vụ giúp kiểm tra. 

Một doanh nghiệp Việt Nam nghi bị đối tác Hà Lan lừa đảo - Ảnh 1.

Website của R.Van Ree Beheer B.V có quảng bá bán nhiều loại nông sản và gỗ trông rất bắt mắt. Ảnh chụp màn hình.

Theo yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ đã triển khai một số bước như nêu dưới đây để kiểm tra tính xác thực cũng như thực chất của giao dịch này như sau:

Kiểm tra tư cách pháp nhân của công ty R.Van Ree Beheer B.V tại cơ sở dữ liệu đăng kí thành lập doanh nghiệp của phòng Thương mại Hà lan www.kvk.nl thì cho thấy, đây là một công ty có tư cách pháp nhân được thành lập 1991, của 1 người, lĩnh vực kinh doanh là đầu tư tài chính, có địa chỉ tại Corneillelaan 2, 1181 LG Amstelveen. Lĩnh vực hoạt động theo đăng kí kinh doanh là đầu tư tài chính. 

Ngay trong chiều ngày 26/10, Thương vụ cũng đã đến tại địa chỉ đó chụp ảnh và cho thấy đây là nhà riêng (công ty 1 người thường làm việc ngay tại nhà). Như vậy không có liên quan gì đến xuất nhập khẩu rất nhiều loại thực phẩm và gỗ (như trong website). Có thể ai đó dùng tên một công ty có thật để lừa đảo.

Thương vụ cũng đã gọi điện thoại nhiều lần vào số di động mà hay whatsaps mà đối tượng giao dịch với công ty Việt nam là số +31644727115 và số cố định +31-20-8946374 (như ghi trên email giao dịch) và số cố định trên website https://rvrbbv.com +31-20-2623927 thì đều không có tín hiệu.

Bên cạnh đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cảm quan đánh giá các chứng từ mà công ty Việt nam gửi cho Thương vụ được nhận định đều là chứng từ giả.

Thông thường công ty thành lập tại Hà lan phải đăng kí tài khoản ngân hàng tại ngân hàng tại Hà lan, trong khi đó đối tượng giao dịch với doanh nghiệp Việt Bam lại yêu cầu phía Việt Nam thanh toán vào tài khoản tại ngân hàng ở Thụy Điển.

Do vậy, Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet, có trường hợp lấy từ mạng Alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau.

Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, công ty Việt Nam nên tiến hành một số bước kiểm tra đơn giản như nêu dưới đây để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài; sau đó có thể tiếp tục liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà lan cũng như rủi ro có thể xảy ra.

Cách kiểm tra tính hợp pháp của đối tác nước ngoài

Một số thao tác kiểm tra sơ bộ như tra cứu địa chỉ công ty/đối tác nước ngoài trên Google xem hình ảnh google map có văn phòng, biển hiệu công ty hay không; Số điện thoại liên hệ có số cố định không hay chỉ có số di động. 

Nếu có số cố định nên gọi điện thoại kiểm tra vài lần xem có người trực điện thoại hoặc trả lời các câu hỏi của công ty Việt Nam.

Địa chỉ email giao dịch có sử dụng tên miền đăng kí hay chỉ là địa chỉ miễn phí như yahoo.com, Hotmail, gmail...

"Công ty được thành lập ở quốc gia nào thì thường phải mở tài khoản giao dịch ở nước đó, trường hợp công ty ở Hà lan mà ngân hàng thanh toán lại ở một nước khác thì phải đặt dấu hỏi ngay", Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.