|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp đầu mối chưa nộp hơn 26 tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu

23:00 | 18/03/2024
Chia sẻ
Bị phạt và yêu cầu nộp lại 26 tỷ đồng quỹ bình ổn xăng dầu từ tháng 11/2023 nhưng đến nay Công ty TNHH Trung Linh Phát vẫn chưa thực hiện.

Công ty TNHH Trung Linh Phát bị phạt hành chính 120 triệu đồng do không kết chuyển số dư quỹ bình ổn vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, theo quyết định của Thanh tra Bộ Tài chính từ tháng 11/2023. Mức phạt này có tình tiết tăng nặng do doanh nghiệp vi phạm nhiều lần dù đã được nhắc nhở.

Tại thời điểm đó, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Trung Linh Phát khắc phục hậu quả bằng việc nộp lại 26,2 tỷ đồng vào tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu của công ty này tại ngân hàng.

Sau đó, Bộ Tài chính có 19 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của công ty này. Số tiền bị khấu trừ hơn 26,3 tỷ đồng, gồm tiền xử phạt vi phạm và khắc phục hậu quả.

Dù vậy, công ty này vẫn không tự nguyện chấp hành nộp phạt và chuyển số tiền dư quỹ bình ổn về tài khoản.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Trung Linh Phát đề nghị các ngân hàng, chi nhánh chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính.

"Nếu công ty không thực hiện trong thời hạn 15 ngày, các ngân hàng có trách nhiệm chuyển từ các tài khoản của công ty đến tài khoản tạm giữ", công văn của Bộ Công Thương nêu.

Công ty Trung Linh Phát có trụ sở tại Ninh Bình, là một trong các thương nhân đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương cấp phép năm 2021. Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu. Công ty có chi nhánh tại nhiều tỉnh thành như TP HCM, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang...

Năm ngoái, Trung Linh Phát - Chi nhánh TP HCM bị Chi cục Thuế quận Tân Bình (TP HCM) đưa vào danh sách cảnh báo có rủi ro cao về thuế, hóa đơn. Trước đó, Cục thuế tỉnh Ninh Bình cũng công khai mức nợ thuế lên tới 178 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển thông tin sang Bộ Công Thương để xử lý.

Phương Dung

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.