|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mối quan hệ Trump-Kim có còn nồng ấm sau hai năm nhiều biến cố?

15:24 | 13/06/2020
Chia sẻ
Mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có thể là yếu tố duy nhất giúp cho căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên không trở nên gay gắt.
Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có còn nồng ấm? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP

12/6/2018 là ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.

Có vẻ như ông Trump có ấn tượng tốt về cuộc gặp mặt lịch sử này. Ông Trump còn gây sốc khi tuyên bố đám đông người ủng hộ hồi tháng 9/2018: "Ông Kim Jong-un đã viết cho tôi những bức thư tuyệt đẹp. Chúng là những lá thư rất tuyệt vời. Chúng tôi đã yêu nhau".

Hai năm đã trôi qua, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên còn lại những gì? Liệu tình cảm giữa hai bên đã trở nên nguội lạnh? Hay tệ hơn, liệu cả hai sắp đối đầu nảy lửa?

Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có còn nồng ấm? - Ảnh 2.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore. Ảnh: AP

Cuộc hội nghị thứ hai giữa ông Trump và ông Kim Jong-un diễn ra 8 tháng sau tại Hà Nội, làm dấy lên hi vọng rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ ngày càng được cải thiện. Có lẽ cả hai sẽ đi đến được các thảo thuận chấm dứt trừng phạt kinh tế, thậm chí có thể là tuyên bố hòa bình. Nhưng những kì vọng này đã không thành hiện thực.

Theo South China Morning Post (SCMP), hai nhà lãnh đạo thậm chí còn không tham gia toàn bộ cuộc họp, bỏ bữa trưa cuối cùng và biến mất trước thời điểm kí một tuyên bố chung.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước đã xuống dốc. Đúng hai năm sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon phát biểu trước truyền thông rằng nước này không có lí do nào để duy trì quan hệ giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.

Bộ trưởng Ri nói rằng các chính sách của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington là mối đe dọa lâu dài tới Triều Tiên. Ông miêu tả mối quan hệ hai bên "đã tan biến vào một cơn ác mộng đen tối", và thậm chí còn thề sẽ nâng cao năng lực hạt nhân của nước này.

Hôm 11/6, Triều Tiên cảnh báo Mỹ vì đã bình luận về các vấn đề liên Triều, đồng thời cảnh báo Mỹ nên im lặng nếu muốn cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 diễn ra êm đẹp.

Ông Shawn Ho, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam nhận định khó có cơ hội để quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên được cải thiện từ bây giờ cho đến cuộc bầu cử cuối năm.

Ông Ho nói: "Xung lực và thiện chí được tạo ra từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đã bị mất và tôi không chắc liệu sẽ có cơ hội nào để thúc đẩy thỏa thuận hay không".

Nhưng ông cũng nói thêm: "Trừ khi Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân hoặc thử nghiệm phóng tên lửa xuyên lục địa, ít có khả năng quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ quay lại giai đoạn căng thẳng như hồi năm 2017".

Ông Donald Kirk, một phóng viên dày dặn kinh nghiệm và là tác giả các cuốn sách về Hàn Quốc cho biết: "Thực tế là chúng ta đã quay trở lại vạch xuất phát" do Bình Nhưỡng không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

"Về cơ bản, kịch bản lạc quan nhất là trạng thái hòa bình không hoàn toàn yên ổn này tiếp diễn", ông Kirk nói thêm. 

Ông Li Nan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ cho rằng việc Washington từ chối giảm bớt các biện pháp trừng phạt khiến mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên không được cải thiện đáng kể.

"Washington không nới lỏng bất kì trừng phạt nào đối với Triều Tiên… và thậm chí còn can thiệp trực tiếp hơn vào tiến trình cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bằng cách bán vũ khí hiện đại cho Seoul", ông Li nói.

Ông Li chỉ ra rằng bất chấp mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, Washington đã tăng cường trừng phạt lên Bình Nhưỡng.

Tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 28 người Triều Tiên vì tội rửa tiền và lừa đảo ngân hàng. Ông Li mô tả là đây là hành động thực thi pháp luật hình sự lớn nhất mà Mỹ thực hiện đối với Triều Tiên.

Ông Li nói: "Kể cả nếu Trump và Kim Jong-un gặp gỡ và trao đổi thư từ cho nhau, họ không thể thay đổi thái độ ngờ vực hoặc thậm chí là thù địch giữa hai quốc gia. Do vậy, ngay khi các cuộc đàm phán giữa hai bên rơi vào các cuộc đối thoại cấp trung, chúng đã sụp đổ gần như ngay lập tức".

"Hiện tại, Triều Tiên đang thực hiện "chiến lược đột phá trực diện" bằng cách từ bỏ ảo tưởng về việc ngay lập tức khởi động lại đối thoại với Mỹ, đồng thời tập trung vào xây dựng kinh tế nội địa và quốc phòng", ông Li nói.

Vẫn tốt đẹp?

Mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Kim Jong-un có thể là yếu tố duy nhất giữ cho quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên không vượt ngoài tầm kiểm soát.

Dù tình cảm tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo có thể đã rạn nứt ít nhiều sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, nhưng ông Trump vẫn gọi ông Kim Jong-un là "bạn" kể cả sau khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa hồi năm ngoái.

Tháng 3/2020, ông Trump gửi thư đến ông Kim Jong-un đề nghị Mỹ sẽ giúp đỡ cho cuộc chiến chống COVID-19 tại Triều Tiên.

Ông Kim được cho là đã viết một "lá thư tuyệt đẹp" khác cho ông Trump cuối năm ngoái. Bản thân ông cũng không nói bất cứ điều gì xúc phạm có thể khiến mối quan hệ hai nước xấu đi.

Đây có thể là điểm sáng duy nhất. Giống như nhà nghiên cứu Shawn Ho nói: "Hai năm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung đầu tiên, kết quả tích cực còn tồn tại cho đến nay là ông Trump và ông Kim Jong-un duy trì được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp".

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.