|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mối nguy nợ hộ gia đình châu Á

14:29 | 16/12/2017
Chia sẻ
Một trong những niềm tin cố hữu là người tiêu dùng châu Á có tính cần kiệm hơn người dân ở những khu vực khác.
moi nguy no ho gia dinh chau a 145.000 tỷ USD tương lai của sự đầu tư đang hướng về châu Á
moi nguy no ho gia dinh chau a ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng 6% trong năm nay và 5,8% trong năm 2018
moi nguy no ho gia dinh chau a

Lời giải thích thì có rất nhiều như do yếu tố văn hóa (ảnh hưởng tính kỷ luật của nho giáo), cũng có thể là do chế độ an sinh xã hội không mấy bảo đảm, buộc người dân phải tiết kiệm để phòng lúc trái gió trở trời...

Đối với cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và các nhà lý luận khác về “những giá trị châu Á”, tính tằn tiện vốn có là một trong những lý do. Cho dù lý do thực sự là gì, các dữ liệu từ lâu ủng hộ cho một lập luận rằng các hộ gia đình châu Á thực sự rất cẩn trọng trong chuyện tiền bạc. Nhưng trong vài năm qua, người tiêu dùng trên khắp châu Á đã làm hết sức để chứng minh một điều ngược lại: tính cẩn trọng đó có lẽ chỉ tồn tại trong một giai đoạn ngắn ngủi.

Trên thực tế, trong khi tỉ lệ nợ hộ gia đình/GDP ở các nền kinh tế phát triển nhìn chung đã giảm xuống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), thì tại một số quốc gia châu Á, nợ hộ gia đình đang đi theo chiều hướng ngược lại. Tăng mạnh nhất là ở Trung Quốc, khi các hộ gia đình nước này đã vay tổng cộng khoảng 4.500 tỉ USD trong suốt 10 năm qua. Đáng nói là vay ở các hộ gia đình Trung Quốc đã có mức khởi điểm rất thấp. So sánh với mức thu thập, vay ở Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đã cao hơn rất nhiều. Trong cùng thời kỳ, vay tiêu dùng cũng đã tăng mạnh ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.

Nợ vay tăng ở một mức độ nào đó có thể xem là chuyện tốt. Xưa nay các nền kinh tế châu Á chịu nhiều lời chỉ trích rằng họ đã không “tích cực” đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu. Lý do đưa ra là các nền kinh tế châu Á sản xuất ra rất nhiều hàng hóa nhưng lại dựa vào những người tiêu dùng phương Tây giàu có, thích tiêu tiền để mua chúng.

Vì thế, nhìn ở góc độ này, khi nợ ở các nền kinh tế châu Á tăng lên, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, đã giúp thay đổi động lực đó, thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn. Chi tiêu bán lẻ ở châu Á, ngoại trừ Nhật, đã tăng trưởng trung bình khoảng 10% mỗi năm trong nửa thập niên qua. Ngoài việc thu nhập gia tăng, con đường tiếp cận tín dụng rộng mở hơn cũng đã giúp cho người tiêu dùng châu Á dễ dàng hơn trong việc tậu nhà cửa, mua sắm quần áo, xe hơi... Điều này có phần đóng góp rất lớn từ các nhà làm chính sách khi ở giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ đã tích cực áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

“Trong nhiều năm qua, tỉ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập khả dụng cá nhân đã tăng lên ở châu Á”, Akrur Barua, chuyên gia kinh tế tại Deloitte Services LP, nhận định. Theo Barua, nợ hộ gia đình tại nhiều nền kinh tế châu Á thậm chí hiện còn cao hơn số liệu của Mỹ trước thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tỉ lệ nợ hộ gia đình/GDP ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan đều đã vượt ngưỡng 80%. Chẳng hạn, Malaysia có tỉ lệ nợ hộ gia đình/GDP ở mức 88,7%. Tổng nợ hộ gia đình của nước này đã là 1.100 tỉ ringgit (tương đương 348 tỉ USD) tính đến tháng 9.2016, theo Tiến sĩ Nirwan Noh, thuộc Bộ Tài chính Malaysia.

Barua khuyến cáo rủi ro nợ hộ gia đình tăng lên đi kèm với chu kỳ nhà đất đang lên. Trên khắp châu Á, giá nhà đất đã leo thang khi nhu cầu nhà cửa gia tăng trong bối cảnh thu nhập tăng mạnh. Bất động sản hiện chiếm khoảng 86% giá trị tài sản hộ gia đình tại Ấn Độ và Indonesia và 50% tại Trung Quốc, so với chỉ 30-38% ở Mỹ. Khi giá nhà vẫn phi nước đại ở nhiều nền kinh tế châu Á, gánh nặng nợ đối với những người mua nhà lần đầu cũng đã tăng lên. Điều này làm xói mòn tài sản ròng của các hộ gia đình và có thể ảnh hưởng dài hạn đến thị trường nhà đất.

Rõ ràng, nợ cao tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy, trong ngắn hạn, mức vay mượn của hộ gia đình tăng lên đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Tuy nhiên, sau một thời gian, những thành quả đạt được này lại hoàn toàn đảo ngược. Nghiên cứu của IMF đã chỉ ra rằng mức tăng 5 điểm phần trăm trong tỉ lệ nợ hộ gia đình/GDP trong 3 năm sẽ dẫn đến mức giảm 1,25 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế thực 3 năm trong tương lai. Và mức tăng 1 điểm phần trăm nợ hộ gia đình cũng làm tăng tỉ lệ tương đương về xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng.

moi nguy no ho gia dinh chau a

Tại châu Á, mức độ mỏng manh, dễ vỡ về tài chính không phải là mối lo chính. Cho dù các hộ gia đình thoải mái chi tiêu nhiều hơn, thì hầu hết các cơ quan quản lý ở châu Á vẫn giữ thái độ thận trọng. Tại Hàn Quốc, Chính phủ yêu cầu mức thế chấp không được vượt quá 70% giá trị bất động sản. Người mua nhà vay ngân hàng ở Singapore cũng phải đặt cọc ít nhất 20% và có thể là nhiều hơn mức này nếu họ đã có vay trước đó. Các ngân hàng châu Á cũng không muốn chạy theo cho vay dưới chuẩn, vốn đã khiến cho nợ tiêu dùng trở thành nợ xấu ở Mỹ cách đây 10 năm.

moi nguy no ho gia dinh chau a

Một rủi ro lớn hơn ở châu Á là lãi suất, theo nhận định của Frederic Neumann, đồng đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC. Ông lưu ý lãi suất dài hạn cố định là chuyện hiếm hoi ở khu vực này. Hầu hết các khoản cho vay tiêu dùng có thời hạn ngắn hơn, vì thế nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, chi phí trả lãi vay của các hộ gia đình cũng sẽ nhanh chóng tăng lên. Điều đó sẽ ăn vào thu nhập và tạo sức ì lên tiêu dùng.

Có thể dự đoán trước một số làn gió ngược. Chi trả thế chấp tại Trung Quốc đã đạt tới khoảng 4,5% tổng thu nhập hộ gia đình hằng năm, tăng từ 3,6% trong năm 2015, theo Ernan Cui thuộc hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics. Chi trả thế chấp tăng lên đang bắt đầu kìm hãm sức mua tiêu dùng.

Cũng có một mặt trái khác trong việc vay hộ gia đình tăng. Giống như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, các đơn vị cho vay thiếu đạo đức lại lăm le nhắm đến các đối tượng người đi vay dễ bị tổn thương nhất. Tại Hàn Quốc, tỉ trọng các hộ gia đình có thu nhập thấp chật vật do gánh nặng nợ đã và đang tăng lên. Choi Pae-kun, chuyên gia kinh tế tại Đại học Konkuk ở Seoul, chỉ ra rằng những người nghèo có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi vay để chi trả các chi phí y tế và sinh hoạt. Tại Trung Quốc, các tổ chức cho vay trực tuyến đã dính đến hàng loạt vụ bê bối. Một số đưa ra mức lãi suất cắt cổ và ở một số trường hợp, buộc các sinh viên phải tự chụp hình khỏa thân như một hình thức thế chấp, đe dọa sẽ phát tán những hình ảnh này nếu nợ không được trả đúng hạn. Nợ có thể làm xói mòn các giá trị châu Á trong nhiều cách và hệ lụy cho nền kinh tế khó có thể tưởng tượng được

Đàm Hoa