'Mỏi mòn' chờ ý kiến của các sở ngành sau khi thanh tra Tổng công ty Samco
Sau khi Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) TP HCM phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải làm rõ các kết luận thanh tra tại Tổng công ty Samco thì đến nay, Chi cục này vẫn chưa nhận được ý kiến của các Sở ngành này.
Thanh tra TPHCM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Samco. Ảnh: Đại Việt |
Theo văn bản của Chi cục Tài chính doanh nghiệp gửi UBND TP, Chi cục này cho rằng, Tổng công ty Samco và Công ty TNHH Ô tô Toyotsu ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng tại địa chỉ 264 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 khi chưa có ý kiến của các Sở, ngành là không đúng với chỉ đạo của UBND TPHCM.
Do đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về nội dung, các điều kiện và điều khoản của hợp đồng cho thuê nhà xưởng nói trên.
Về việc Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé (thuộc Tổng công ty Samco) hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với hình thức cho Công ty CP Tân Cảng – Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu không đúng quy định và không đúng đối tượng, Chi Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải có ý kiến về việc này.
Tổng công ty Samco kiến nghị cho Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé được ký hợp đồng thuê đất đối với khu đất tại Cảng Phú Hữu (quận 9) theo hình thức trả tiền 1 lần cho thời hạn thuê là 50 năm. Chi Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đề xuất UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về việc này.
Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé là công ty thành viên của Tổng công ty Samco cũng có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh. |
Như Dân trí đã thông tin, Samco và các công ty thành viên của Samco đã mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.
Điển hình như Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu với hình thức cho Công ty Cổ phần Tân Cảng Phú Hữu thuê lại toàn bộ Cảng Phú Hữu thực chất là hợp tác thành lập pháp nhân mới. Sau đó, Cảng Bến Nghé cho thuê lại cơ sở hạ tầng nêu trên là thực hiện không đúng ý kiến của UBND TPHCM.
Theo kết luận thanh tra, UBND TPHCM chỉ cho phép Công ty Cảng Bến Nghé hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, không phải hợp tác với Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu. Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé cho Công ty Cổ phần Tân Cảng – Phú Hữu thuê toàn bộ cơ sở hạ tầng của cảng Phú Hữu là không đúng đối tượng, không đúng quy định.
Công ty Cảng Bến Nghé cũng chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn đo vẽ hiện trạng và xác định giá trị % còn lại công trình tại Công ty Cảng Bến Nghé với giá trị là 591 triệu đồng. Việc này là không đúng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu vượt trên hạn mức chỉ định thầu, bởi theo Luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu chỉ được thực hiện với những gói thầu không quá 500 triệu đồng.
Cảng Phú Hữu được cho thuê không đúng quy định. |
Việc xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Cảng Bến Nghé cũng có nhiều sai sót. Cụ thể như, công ty tham gia xác định tỷ lệ chất lượng tài sản còn lại không có thẻ thẩm định viên về giá.
Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, hệ thống điện… đang hoạt động nhưng được đánh giá tỉ lệ chất lượng còn lại chỉ là “20%”, đây là tỉ lệ chất lượng còn lại tối thiểu. Do đó, lực lượng thanh tra cho rằng, việc xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản của Công ty Cảng Bến Nghé là không hợp lý và chưa có căn cứ.
Nhà Công an, Hải quan tại Cảng Bến Nghé được định giá theo đơn giá công trình nhà xưởng hơn 2,7 triệu đồng/m2 là không đúng đơn giá công trình nhà làm việc dưới 5 tầng, bởi theo quy định là hơn 5,2 triệu đồng/m2.
Theo Thanh tra TPHCM, nếu không kiểm tra thì tài sản thực tế của Nhà nước tại doanh nghiệp Cảng Bến Nghé đã bị giảm đi. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện ra nhiều sai phạm khác tại cảng này.