|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mirae Asset Việt Nam chỉ ra những nhóm ngành tâm điểm trong ngày còn lại của năm 2022?

14:45 | 05/12/2022
Chia sẻ
Nhóm phân tích của Mirae Asset tin rằng P/E hiện tại của VN-Index ở mức khoảng 11 lần vẫn hấp dẫn dù thị trường đã phục hồi mạnh mẽ gần đây.

P/E có thể quay trở lại vùng định giá hợp lý khoảng 12−13 lần vào cuối tháng 12 

Báo cáo thị trường tháng 12 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết tình trạng bán tháo ồ ạt trên thị trường đã kéo dài trong nửa đầu tháng 11, VN-Index tạo đáy mới trong năm là 873,78 điểm. Nửa cuối tháng 11 thị trường đã phục hồi với VN-Index tăng 20% từ đáy (mức hồi phục trong tháng tốt nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam) và đóng cửa tháng tại 1.048,42 (tăng 2% so với tháng trước đó, giảm 30% so với đầu năm).

Nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng với sự ổn định vĩ mô tốt hơn, thị trường sẽ sớm thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. Cùng với việc tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành trong tháng cuối năm.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích nhận định P/E hiện tại của VN-Index ở mức khoảng 11 lần vẫn hấp dẫn dù thị trường đã phục hồi mạnh mẽ gần đây. Mức P/E hiện tại, trong vùng thống kê 10 năm trở lại đây, đang ở ngưỡng trung bình 10 năm trừ 2 độ lệch chuẩn (SD), vùng được xem là định giá thấp trong lịch sử.

Theo như dự báo, P/E có thể quay trở lại vùng định giá hợp lý khoảng 12 − 13 lần vào cuối tháng 12 nhờ vào 4 yếu tố gồm áp lực tăng lãi suất đang giảm dần sau các tín hiệu gần đây của Fed; sự phục hồi gần đây của thị trường tài chính toàn cầu; tâm lý thị trường được cải thiện; và xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi.

Hiện tại, mức P/E dự phóng cuối năm của thị trường chứng khoán Việt Nam thấp hơn so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, theo thống kê kỳ vọng tăng trưởng EPS của thị trường từ Bloomberg. 

 (Nguồn: Phòng phân tích Mirae Asset Việt Nam)

Nhìn chung, việc lãi suất tăng vẫn có tác động đến các ngành và công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao như ngành xây dựng cơ bản, bất động sản, nguyên vật liệu, và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, sau đợt bán tháo hoảng loạn trong nửa đầu tháng 11 đã đưa các chỉ số định giá xuống mức thấp kỷ lục.

Theo quan sát của nhóm phân tích Mirae Asset, nhiều cổ phiếu ngành tài chính, nguyên vật liệu và bất động sản được giao dịch ở mức khoảng 0,7 lần giá trị sổ sách vào giữa tháng 11. Điều này khá bất hợp lý khi đặt trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay vẫn được kỳ vọng rộng rãi trên 7,5% và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát ở mức 4,5%.

Nhờ đó, cuối tháng 11, các ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bất động sản đã dẫn dắt thị trường chung phục hồi mạnh mẽ. Nhóm phân tích kỳ vọng sự hạ nhiệt của giá hàng hóa và lạm phát của Mỹ sẽ hỗ trợ cho kỳ vọng các đợt tăng lãi suất chậm lại. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng để kéo dài đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Đối với bán lẻ, mặc dù dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành có phần chậm lại so với quý 3 năm nay nhưng nhóm phân tích vẫn kỳ vọng sức mua trong tháng 12 sẽ tăng nhanh trong bối cảnh nhiều sự kiện lớn đang diễn ra như World Cup, Giáng sinh, Tết Dương lịch và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Diệu Nhi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.