Mirae Asset: Cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là cơ hội tốt nhờ định giá tương đối thấp so với quá khứ
Theo báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), với sự ổn định vĩ mô tốt hơn so với năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nhận thấy có nhiều sự thay đổi mang tính cơ bản, nhóm phân tích bày tỏ sự lạc quan về thị trường năm 2023 trên tâm thế thận trọng.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn xét về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu nhập doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo vượt trội so với các thị trường khác). Hiện tại, P/E dự phóng cuối năm của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, theo thống kê từ Bloomberg", báo cáo chỉ ra.
Trên cơ sở phân tích và đánh giá, Mirae Asset Việt Nam cũng đưa ra luận điểm đầu tư với các nhóm cổ phiếu, trong đó có hai nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng và bất động sản.
Ngân hàng
Mức định giá hiện tại theo trailing P/B của các ngân hàng thương mại quốc doanh là 1,9x và NHTM tư nhân là 1,0x, giảm lần lượt 40% và 60% từ đỉnh. Trong ngắn và trung hạn, sẽ rất khó để ngành ngân hàng nói chung lấy lại được mức định giá trên mức trung bình 5 năm do các yếu tố vĩ mô tương đối tiêu cực và các rủi ro chính dẫn đến các đợt giảm gần đây sẽ khó được loại bỏ hoàn toàn.
Đối với tình hình rủi ro tiềm ẩn như hiện tại, yếu tố an toàn nên được đặt lên hàng đầu. Mirae Asset Việt Nam cho rằng khối các ngân hàng quốc doanh sẽ là một lựa chọn tốt nhờ định giá tương đối thấp so với mức định giá quá khứ; rủi ro hoạt động liên tục thấp; có sự hỗ trợ tốt từ cổ đông lớn; liên kết nội khối tốt; lợi thế huy động vốn và dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp.
Với luận điểm trên, hai cổ phiếu được khuyến nghị theo dõi là CTG và VCB. Nhóm phân tích cho rằng VCB có triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ chất lượng tài sản tốt.
Nhóm phân tích kỳ vọng mức NIM hiện tại sẽ được duy trì, bên cạnh đó tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức lành mạnh 0,8%, tỷ lệ nợ xấu mở rộng cũng tăng tương tự lên 1,16%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống mức 401,8%.
Tuy nợ xấu có phần tăng nhẹ trong khi LLR giảm, các chỉ số này của ngân hàng vẫn tỏ ra vượt trội so với các ngân hàng khác. Nhìn chung, VCB sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn...
Còn với CTG, việc mở rộng NIM nhiều khả năng sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận cho nhà băng này trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ chững lại trong 2023.
Hiện tại, CTG đang phải đối mặt với nút thắt tăng vốn, là một yếu tố quyết định trong việc tăng trưởng tín dụng bền vững. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà phân tích, khó khăn này đã được phản ánh qua định giá rẻ tương đối so với các ngân hàng quốc doanh khác. CTG đang được giao dịch ở mức 1,4x, thấp hơn nhiều so với định giá trung bình của nhóm 3 ngân hàng quốc doanh là 2,1x.
Bất động sản
Gần đây đã có nhiều kiến nghị nhằm vực dậy ngành bất động sản, có thể kể đến như đề xuất hỗ trợ 2% lãi suất cho người mua nhà dưới 2 tỷ.
Bên cạnh đó, Nghị định 65 cũng đang được Chính phủ xem xét sửa đổi để gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.
Ngoài ra một số nội dung như thay đổi kỳ hạn trái phiếu hay chuyển đổi trái phiếu lấy tài sản hay chuyển thành khoản vay cũng được nới lỏng hơn cho doanh nghiệp.
Với nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhóm phân tích cho rằng mức giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng tại một số khu vực trọng điểm kinh tế bao gồm TP HCM và các khu vực lân cận nhờ quỹ đất thuận lợi về hạ tầng kết nối; trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung đất công nghiệp chưa có sự thay đổi trong khi FDI giản ngân đang tăng mạnh. Trong khi đó, xu hướng “Trung Quốc +1” sẽ thúc đẩy khu công nghiệp khu vực phía Bắc.
Nhóm phân tích lựa chọn hai cổ phiếu theo dõi là IDC và PHR do hai doanh nghiệp này có động lực tăng trưởng từ quỹ đất khu công nghiệp.