|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mirae Asset: Ảnh hưởng của lãi suất tăng lên NIM ngân hàng không quá tiêu cực

21:04 | 06/11/2022
Chia sẻ
Theo quan sát, Mirae Asset nhận thấy các NHTM cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022, vì vậy, ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên NIM của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực.

Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Mirae Asset, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực

Trong 9 tháng đầu năm, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng 0,31 điểm % kể từ đầu năm dựa vào giảm tỷ trọng huy động tiền gửi và lợi suất của tài sản sinh lời tăng. Việc thắt chặt tính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo quan sát, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022, vì vậy NIM có thể giảm nhẹ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, so với mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm 2022, mức tăng hiện tại của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng 1 điểm %. Tuy đã điều chỉnh tăng lãi suất, nhưng trong ngắn hạn tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức tăng các mức lãi suất điều hành lên 1 điểm %, nâng tổng mức tăng lãi suất lên 2 điểm % trong vòng hai tháng, do các áp lực chính đến từ tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối suy giảm. Tỷ giá chính thức đồng Việt Nam tăng khoảng 8.8% so với năm 2021, trong khi tỷ lệ dự trữ ngoại hối được dự báo giảm 19% so với đầu năm.

Ngoài ra, các chuyên gia của Mirae Asset cũng cho rằng khả năng cao là sẽ có các đợt tăng lãi suất trong quý IV/2022 hay 6 tháng đầu năm 2023.

So với lãi suất của Fed (đã vượt mức lãi suất trước COVID-19), lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới tiếp cận mốc trước dịch. Thêm vào đó, Fed cũng có kế hoạch cho các đợt nâng tiếp theo trong giai đoạn còn lại của năm 2022, vì vậy, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nội địa vì không còn nhiều dư địa trong nỗ lực điều tiết lãi suất trong bối cảnh cán cân thương mại không quá lạc quan và tỷ lệ dự trữ ngoại hối thấp.

Đến 20/9/2022, sự lệch pha giữa tăng trưởng tiền gửi (tăng 4.04%) và tăng trưởng tín dụng (tăng 10.54%) vẫn kéo dài. Mirae Asset kỳ vọng việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi của các NHTM vào giai đoạn cuối quý III sẽ hấp dẫn hơn, thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi cũng như khả năng thanh khoản cho ngành ngân hàng nói chung.

 

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro gia tăng nợ xấu. Trong lần tăng lãi suất gần đây nhất từ mức 7% lên mức 13% đối với lãi suất tái cấp vốn vào năm 2011, nợ xấu nội bảng đã có mức tăng đột biến (gần gấp đôi).

Tuy không thể nói tăng lãi suất là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tăng nợ xấu, tuy nhiên, theo các chuyên gia, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn.

Đầu tháng 11, lãi suất của Fed đã tăng tiếp 0,75 điểm % (lần thứ 4 liên tiếp) lên mức 3,75–4%. Theo Mirae Asset, nếu kỳ họp ngày 15/12 sắp tới (theo giờ Việt Nam), lãi suất Fed tiếp tục tăng thêm 0,5 điểm % thì sẽ đẩy mức tăng tổng cộng trong cả năm 2022 lên 4,25 điểm %.

Trong bối cảnh đó, áp lực tăng lãi suất của NHNN đã gia tăng đáng kể trong tháng 10 để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Do đó, NHNN đã nâng lãi suất tái cấp vốn lên 6% (bằng mức trước Covid) sau hai lần tăng liên tiếp (mỗi lần tăng 1 điểm % vào ngày 23/9 và 25/10.

Vì vậy, Mirae Asset kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp ổn định tỷ giá hối đoái, tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng; và lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%. Những yếu tố này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.

Huyen Vi