Minh Phú sẽ nâng thị phần xuất khẩu sang EU lên 15%
Kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu là một trong những khó khăn điển hình của các doanh nghiệp thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Tập đoàn Minh Phú vào thị trường EU mới chiếm khoảng 6-7% trên tổng số kim ngạch thủy sản xuất khẩu.
Nói về những khó khăn khi xuất khẩu thủy sản vào EU, đặc biệt là mặt hàng tôm, theo ông Hiển, các khách hàng EU yêu cầu tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm rất cao, khoảng 20-30%. Hiện nay, chưa có quy chuẩn rõ ràng, cụ thể trong vấn đề này, chỉ có một số nước như Anh, Đức, Hà Lan… có yêu cầu ghi rõ ràng tỷ lệ mạ băng trên bao bì sản phẩm.
Có trưởng hợp, khách hàng còn yêu cầu tỷ lệ mạ băng trên sản phẩm cao hơn mức 20-30% nhưng doanh nghiệp từ chối các đơn hàng như vậy. “Việc áp dụng tỷ lệ mạ băng cao gây nhiều thiệt thòi cho người tiêu dùng. Vì trách nhiệm với người tiêu dùng và cũng là để đảm bảo uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, Tập đoàn Minh Phú mong tình trạng này có thể được giải quyết trong tương lai. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được giải quyết thấu đáo khi có sự kết nối, làm việc ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và thị trường EU”, ông Hiển nói.
Nói về khó khăn chung khi xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm, ông Hiển cho biết thêm: Hiện nay, các doanh nghiệp còn khá chật vật khi kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu. Trong quá trình nuôi trồng, nhất là nuôi trồng tôm, người dân còn sử dụng kháng sinh khá tràn lan. Việc xử lý thô sản phẩm trước khi đưa vào nhà máy sản xuất cũng chưa tốt. Tất cả các yếu tố này khiến cho sản phẩm tôm xuất khẩu có thể bị nhiễm vi sinh, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp.