Miền Trung, Tây Nguyên còn hơn 34.000 tỉ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm
Hôm 18/7, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT - XH và giải quyết các kiến nghị của địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tiềm năng rất lớn của các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên là 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng KTTĐ duy nhất có GRDP giảm so với cùng kì.
Ba địa phương qui mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kì là TP Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỉ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng.
Thương mại, dịch vụ là một trong những lĩnh vực chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, chiếm trên 42% GRDP. Trong 6 tháng đầu năm thì ngành dịch vụ giảm 4,81%.
Về giải ngân, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến 30/6, giải ngân vốn đầu tư công của 7 địa phương miền Trung là 13.013 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỉ đồng, chiếm trên 60%.
Tỉ lệ giải ngân trên 40% có một địa phương là TP Đà Nẵng, từ 30-40% có 4 địa phương là Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên, tỉ lệ dưới 30% có Thừa Thiên-Huế và Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với Tây Nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các vùng KTTĐ, không địa phương nào trong vùng có tốc độ tăng trưởng âm.
Nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ giải ngân vốn cao hơn so với cùng kì nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chỉ đạt hơn 31% và thấp mức bình quân cả nước.
Tổng vốn còn tiếp tục giải ngân 6 tháng cuối năm của vùng còn hơn 9.758 tỉ đồng, số vốn ngân sách trung ương cần tiếp tục phân bổ chi tiết cho các dự án là 1.136 tỉ đồng.
Cho rằng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm chạp, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh này phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như cần thu hút thêm nhiều dự án mới.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, “địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”.