Mì bay, cà phê take away cũng có 'số phận' như mì cay 7 cấp độ
Tại các thành phố lớn, khi có trào lưu kinh doanh mặt hàng, dịch vụ mới lạ, nhiều cửa hàng nhanh chóng mọc lên đáp ứng nhu cầu bỗng chốc tăng vọt. Tuy nhiên, khi trào lưu qua đi, cũng không ít cửa hàng rơi vào cảnh thua lỗ, ế ẩm. Nhiều trào lưu qua nhanh đến nỗi không ít chủ cửa hàng cho hay đã phải đóng cửa một cách "tức tưởi".
Kinh doanh mì bay
Trào lưu mì bay gây sốt một khoảng thời gian. Ảnh: Tùng Tin. |
Khoảng cuối năm 2016, kinh doanh mì bay xuất hiện thu hút khách hàng là giới trẻ cả nước. Hình ảnh chiếc đũa lơ lửng trên không là đặc trưng nổi bật nhất của món này. Theo chia sẻ của một số khách hàng trẻ, họ tìm đến cửa hàng mì bay bởi sự mới lạ, kích thích tò mò.
Món mì bay thực chất là mì lạnh của Nhật. Sợi mì ramen to, dai, giòn được đặt khéo léo trên đôi đũa bay tạo cảm giác hấp dẫn và ngon mắt.
Hình ảnh các bạn trẻ chụp hình tại các quán mì bay trở nên phổ biến trên các trang mạng xã hội. Cầu tăng ắt có cung, nhiều người đầu tư mở cửa hàng mì bay cấp tốc. Theo ghi nhận vào thời điểm đó, cửa hàng mì bay tại TP.HCM xuất hiện đầu tiên, sau đó lan ra Hà Nội, Nha Trang... và một số thành phố khác.
Tuy nhiên, xu hướng mì bay chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng 2-3 tháng. Nhiều cửa hàng đầu tư trang thiết bị lớn nhưng không thu được lợi nhuận quá nhiều. Do đa số quán ăn vặt bán thêm mì bay nên thiệt hại kinh tế không lớn cho những người thích kinh doanh “hớt váng”.
Cà phê take away
Hàng trăm quán cà phê take away đã được mở ở Hà Nội giai đoạn 2014-2015. Ảnh: Hiếu Công. |
Khoảng năm 2014-2016, xu hướng mở quán cà phê take away (cà phê mang đi - PV) lan rộng tại không ít thành phố lớn. Với mong muốn mở một cửa hàng cà phê có không gian trẻ trung, đồ uống tiện lợi, nhiều người đã đầu tư hàng trăm triệu để mở take away.
Khoản chi phí ban đầu khá lớn như thuê mặt bằng, đầu tư quầy bar, bàn ghế, hệ thống điều hòa…, chưa kể chi phí quảng cáo, marketing cũng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng của mỗi chủ cửa hàng ban đầu.
Thời gian đầu, các cửa hàng take away phát triển nhanh chóng. Có những con phố ngắn nhưng mở tới hàng chục cửa hàng cà phê take away. Một thời gian ngắn sau đó, nhu cầu trở nên bão hòa, không ít cửa hàng bắt đầu rơi vào tình cảnh vắng khách. Thậm chí có thời điểm, cung còn vượt cầu khiến chính những cửa hàng cà phê take away phải cạnh tranh nhau gay gắt.
Một số cửa hàng có vị trí đẹp, đồ uống ngon và không gian trẻ trung vẫn có thể thu hút rất đông bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng khá nhiều cửa hàng vắng khách dần rơi vào thua lỗ và phải đóng cửa. Nhiều người do đầu tư không tính toán kỹ đã bị lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Mì cay 7 cấp độ
Món mì cay 7 cấp độ khiến nhiều nợ nần vì thua lỗ. Ảnh: Hiếu Công. |
Mì cay 7 cấp độ là điển hình của việc kinh doanh theo trào lưu và nhanh chóng rơi vào thoái trào, thậm chí "chết yểu". Vào khoảng giữa năm 2016, xu hướng ăn mì cay 7 cấp độ lan rộng khắp các thành phố lớn. Việc khách hàng check-in cùng mì cay, thách đấu ăn mì cay, bàn tán về mì cay gây hại sức khỏe phổ biến khắp các trang mạng xã hội.
Dù thế nào, rất đông bạn trẻ tò mò và tìm đến thưởng thức món mì đặc biệt này. Nhiều người cũng nhanh chóng chớp thời cơ mở những hàng mì cay đáp ứng nhu cầu tăng cao. Vào tháng cao điểm, tại Hà Nội có tới hơn 10 cửa hàng mì cay được mở ra, với vốn bỏ ra không nhỏ, thậm chí có chỗ lên đến hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau 4-5 tháng, trào lưu ăn mì cay nhanh chóng rơi vào thoái trào. Độ hấp dẫn của món ăn gây tò mò đã kém đi tương đối trong mắt “thượng đế trẻ”.
Theo chia sẻ của một số chủ hàng, tình hình kinh doanh nhanh chóng lao dốc. Có những người mở cửa hàng mì cay vào đúng thời điểm thoái trào phải đóng cửa sau chỉ một vài tháng cùng với khoản lỗ.
Ngoài những trào lưu ẩm thực mà người kinh doanh phải đầu tư ban đầu rất nhiều tiền, thị trường còn chứng kiến nhiều xu hướng ẩm thực khác. Điểm khác là các trào lưu ẩm thực còn lại có chi phí đầu tư ban đầu nhỏ, chủ hàng cũng dễ kết hợp với loại hình khác hoặc nhanh chóng chuyển đổi khi thoái trào.
Những trào lưu như bánh mì chảo, bánh mì Hội An, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, xoài lắc, khoai lang lắc, kem khói, cơm cháy chà bông, chè khúc bạch… được cho là có chi phí không quá lớn mà người kinh doanh lại có thể dễ dàng thay đổi loại hình nếu muốn mà không cần lo lỗ quá nặng.
Tuy nhiên, kinh doanh theo trào lưu cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn, đặc biệt là những mặt hàng có chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì vậy, theo chia sẻ của những người từng kinh doanh kiểu này, những ai mới bắt đầu hết sức tỉnh táo và nhạy bén trước khi quyết định đầu tư và nên có "chiến thuật" khi thị hiếu khách hàng thay đổi.
Chuỗi cà phê ngoại Gloria Jean’s 'âm thầm' rời Việt Nam
Sự kiện The KAfe đóng cửa còn chưa lắng xuống, chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Australia Gloria Jean’s Coffees, cũng chia tay sau ... |
The KAfe đóng cửa hàng loạt sau khi sang tay ông chủ Hong Kong
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều cửa hàng của The KAfe đều đóng cửa hoặc đã sang nhượng mặt bằng. Đây là ... |
Ông chủ 9x của cafe FA gây sốt: Tay trắng khởi nghiệp, 4 năm không ngày nghỉ
SN 1993, Huỳnh Văn Khải hiện đang quản lý 4 cơ sở kinh doanh khác nhau: 1 studio, 1 xưởng may, công ty truyền thông ... |
Start-up và luật chơi với nhà đầu tư
Từ chuyện nhân viên Lingo khiếu nại nhà đầu tư hay gần đây là người sáng lập The KAfe ra đi sau khi nhận vốn ... |