|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan Group thăng hạng trong BXH VNR500

17:01 | 03/12/2021
Chia sẻ
Masan Group xuất sắc ghi danh trong Top 5 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021 và đứng thứ 15 trong tổng BXH (bao gồm cả khối doanh nghiệp nhà nước).

Mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet đã công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021.

Năm 2020, Masan Group đứng thứ 10 trong khối doanh nghiệp tư nhân và đứng thứ 31 trong tổng BXH VNR500. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, Masan Group đã “thăng hạng” rõ rệt trong BXH uy tín này.

Năm 2021, dịch COVID-19 tạo ra những thách thức chưa từng có với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với vai trò là tập đoàn Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu cả nước, Masan Group đã tập trung mọi nguồn lực nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, phục vụ kịp thời hàng hóa đến người dân cả nước. 

Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng liên tục thực hiện các bước đi chiến lược, tăng tốc xây dựng nền tảng “Point Of Life” phục vụ đa dạng các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Đồng thời, thực triển khai nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân cả nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19

Nhờ những nỗ lực và quyết sách đúng đắn, 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với mức 55.618 tỷ đồng vào cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mảng kinh doanh của Masan Group ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh. 

Cụ thể, Masan Consumer Holdings tăng 14,3%; Masan MEATLife tăng 32,8% và Masan High-Tech Materials tăng 89,3%. Quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce (trước đây là VinCommerce) có lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dương sau 7 quý kể từ lúc được Masan mua lại.

Masan Group thăng hạng trong BXH VNR500 - Ảnh 1.

Một mô hình cửa hàng tích hợp của Masan Group. (Ảnh: MSN).

Hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt

Gắn liền với đời sống và tiêu dùng của người dân, thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong những năm trở lại đây. Sự sôi động của thị trường còn thể hiện qua các thương vụ rót vốn đình đám từ các nhà đầu nước ngoài vào các nhà bán lẻ nội địa giàu tiềm năng. 

Mới đây, Masan và SK Group đã ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ sở hữu Masan Consumer Holdings và WinCommerce) với tổng giá trị tiền mặt là 345 triệu USD, trong đó SK Group đầu tư 340 triệu USD. 

Sau Giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt là 85,0% và 4,9%. Trước đó, vào 4/2021, Tập đoàn này tiếp tục đầu tư 410 triệu USD mua 16,26% cổ phần WinCommerce.

Ngoài SK Group, Tháng 5/ 2021, nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia đã đầu tư 400 triệu USD mua lại 5,5% cổ phần The CrownX. 

Ngoài đón sóng đầu tư nước ngoài, Masan Group cũng mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu vủa Việt Nam. Tháng 5/2021, Công ty TNHH The Sherpa – một công ty thành viên của Masan Group công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% CTCP Phúc Long Heritage, thử nghiệm mô hình kiosk Phúc Long tại VinMart+. 

Tháng 09/2021, Masan mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast – đơn vị sở hữu mạng di động Reddi, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Tập đoàn này cũng hợp tác với Techcombank, Phano Pharmacy tích hợp dịch vụ tài chính và quầy dược phẩm vào của hàng tiện ích mô hình mới. 

Tất cả các bước đi chiến lược này của Masan đều nhằm tăng tốc xây dựng nền tảng  nền tảng “Point Of Life”. Theo đó, không dừng lại ở mô hình bán lẻ cung cấp nhu yếu phẩm thuần túy, tầm nhìn của Masan là xây dựng một nền tảng “tất cả trong một” đáp ứng các nhu cầu về nhu yếu phẩm, tài chính, y tế, dịch vụ số, giáo dục, giải trí…. của người tiêu dùng. Đây sẽ là nền tảng xuyên suốt từ “offline” đến “online” giúp khách hàng tận hưởng cùng một trải nghiệm vượt trội dù đang ngồi tại nhà hay mua sắm các cửa hàng. 

Tích hợp hơn 300 kiosk Phúc Long vào VinMart+, khai trương các cửa hàng mini-mall đầu tiên 

Chỉ trong vòng nửa năm sau thương vụ mua lại 20% Phúc Long, tính đến cuối tháng 11, hơn 300 kiosk Phúc Long đã được tích hợp vào VinMart+ tại 13 tỉnh thành. Kiosk Phúc Long là mô hình tinh gọn với diện tích trung bình khoảng 8m2, được sắp xếp bắt mắt trong VinMart+. Điều này mang đến sự tiện lợi cho khách hàng dù có nhu cầu mua nhu yếu phẩm hoặc thưởng thức trà – cà phê. 

Ngoài thành công của kiosk Phúc Long, đến nay, Masan đã đưa vào hoạt động 4 của hàng mini-mall tích hợp VinMart+, Techcombank, Kiosk Phúc Long, Phano Mart, mạng di động Reddi tại Hà Nội và TP HCM. 

Tại đây, khách hàng có thể mua nhu yếu phẩm, giao dịch tài chính, thưởng thức trà – cà phê, mua dược phẩm hay sử dụng các dịch vụ số chất lượng cao. Đây chính là nền tảng “Point Of Life” chiến lược của Masan, tương lai sẽ được triển khai trên toàn chuỗi VinMart/VinMart+. 

Kế hoạch 5 năm tới, Masan sẽ sở hữu mô hình hiệu quả phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng, phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình. 

Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được từ 5-10% cho các hàng hóa thiết yếu; nhà sản xuất và nông dân sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10%; đối tác nhượng quyền bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận từ 5-10% so với hoạt động hiện tại của họ.

Bảng xếp hạng VNR500 theo mô hình Fortune 500 - dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Công ty Vietnam Report, được định kỳ công bố thường niên từ năm 2007 bởi Báo VietNamNet.

VNR500 được xây dựng dựa trên tiêu chí doanh thu và các tiêu chí khác như tổng tài sản, tổng số lao động, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông cũng được tham chiếu để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thế của doanh nghiệp.

Bích Thu