|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mạng xã hội Lotus thông báo quay trở lại

13:21 | 11/10/2024
Chia sẻ
Lotus - dự án mạng xã hội nghìn tỷ của Việt Nam đang rục rịch khởi động quảng bá cho ứng dụng nhắn tin Lotus Chat, một nền tảng có giao diện khá giống với Telegram.

Ngày 10/10, Fanpage Facebook của mạng xã hội Lotus thông báo: "Lotus đã quay trở lại với Lotus Chat. Bạn đã sẵn sàng?". Đây cũng là lần đầu tiên trang Fanpage của Lotus đăng tải thông tin mới, sau khoảng hơn một năm dừng hoạt động.

Ứng dụng nhắn tin Lotus Chat. (Ảnh: VCCorp).

Lotus là nền tảng mạng xã hội "Made in Vietnam" được ra mắt vào tháng 9/2019, với mục tiêu trở thành nền tảng kết nối nội dung do người Việt tạo ra.

Theo giới thiệu, được xây dựng từ sự hợp tác của hơn 200 kỹ sư công nghệ, Lotus không chỉ tập trung vào việc kết nối người dùng mà còn chú trọng đến việc cung cấp nội dung chất lượng từ các nhà sáng tạo và các nguồn tin tức chính thống.

Tuy vậy, sau gần 6 năm xuất hiện, Lotus gần như biến mất trên truyền thông và trên các nền tảng số, bất chấp khoản đầu tư lến tới 1.200 tỷ đồng ban đầu. Tính tới tháng 3/2023, ứng dụng chỉ đạt hơn một triệu lượt tải trên Android và chưa đến ba sao đánh giá trên cả App Store và Google Play.

Thời điểm này, nhà phát triển dự án cũng quyết định chấm dứt hợp tác với các đơn vị báo chí trong việc phân phối tin tức trên nền tảng. Những diễn biến được xem như dấu hiệu cho thấy tương lai không mấy sáng sủa của mạng xã hội từng được kỳ vọng cạnh tranh với Facebook tại Việt Nam.

Vậy sự trở lại của Lotus Chat trong thông báo mới đây có gì? Ứng dụng được giới thiệu là nền tảng nhắn tin và gọi điện đa nền tảng do người Việt phát triển, với tính năng từ cơ bản đến nâng cao, giao diện đơn giản và cam kết bảo mật cao.

Ứng dụng này hỗ trợ sử dụng trên nhiều thiết bị cùng lúc. Điểm nổi bật của Lotus Chat là tính năng tạo bí danh, cho phép người dùng chat ẩn danh và bảo vệ quyền riêng tư.

Ngoài ra, Lotus Chat còn hỗ trợ ghi âm cuộc gọi, đồng bộ tin nhắn theo thời gian thực, và tích hợp tính năng bảo mật mạnh mẽ như chống xóa đoạn chat, kho bảo mật cho các nội dung quan trọng. Với giao diện tương tự Telegram nhưng được phát triển thêm các tính năng mới, Lotus Chat được nhà phát triển kỳ vọng là đối thủ cạnh tranh với Zalo - nền tảng có 76 triệu người dùng thường xuyên tại Việt Nam.

Thực tế, Lotus Chat đã được âm thầm ra mắt từ giữa năm 2022, do CTCP Mạng xã hội VIVA phát hành và đang xếp hạng 70 trong danh sách ứng dụng mạng xã hội của App Store. Trên Google Play, ứng dụng này đã thu về hơn 50.000 lượt tải.

Ngoài Zalo, Messenger của Meta cũng là một ứng dụng nhắn tin nổi bật. Meta là công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp. Theo báo cáo, 45% người tiêu dùng Việt nhắn tin trực tiếp cho doanh nghiệp để mua hàng, và 62% tương tác với doanh nghiệp hàng tháng quaMessenger. Hiện Facebook và Messenger chiếm 89% người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Một ứng dụng khác nhắn tin khác là Viber cũng đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2014. Theo số liệu công bố vào tháng 8, mỗi tháng người dùng Viber tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, thực hiện 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh.

Đối tượng sử dụng Viber chủ yếu là người dùng từ 25-50 tuổi (chiếm 67%) tại các thành phố lớn. Viber cũng hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ và hơn 100 thương hiệu hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau. Viber chú trọng vào bảo mật thông tin người dùng bằng cách áp dụng mã hóa đầu cuối và không lưu trữ tin nhắn trên máy chủ.

Thành Vũ

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.