|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mắc-ca Việt Nam vào giai đoạn mới

13:50 | 06/05/2017
Chia sẻ
Ngày 6/5, Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên 2017. Bước khởi động gần như “mắc kẹt” hai năm qua được nhìn lại, và hướng tới một tương lai thuận lợi hơn.
mac ca viet nam vao giai doan moi
Một xưởng chế biến mắc-ca Việt Nam tại Liên Nghĩa, Lâm Đồng.

“Các thế lực chống phá” là cách nói của GS. Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội, khi nhắc lại khó khăn của những bước đầu tiên trong phát triển mắc-ca tại Việt Nam.

Theo chuyên gia này, nhiều “thế lực”, cá nhân trong và ngoài nước tìm cách cản đường, gây hoang mang trong dư luận về triển vọng của loại cây ngoại lai này. Và nhiều dư luận hoài nghi vì chưa rõ nó như thế nào.

Nội lực và tự thân

Ngay như sự ra đời của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam cũng đã là một trường hợp lạ tại Việt Nam. Một ngành chưa có sản phẩm đúng nghĩa, từ đó chưa tổ chức được chuỗi chế biến và thương mại chuyên nghiệp, mà đã có hiệp hội chuyên trách.

Song, chính vì có hiệp hội ngay từ đầu đã sớm tạo chỗ dựa cho các hộ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và kinh doanh. Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam ra đời cùng tuyên bố vào cuộc chuẩn hóa giống, kỹ thuật trồng và chăm sốc, bao tiêu sản phẩm… Phối hợp, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) tạo nguồn tín dụng ưu đãi.

GS. Hùng cho biết, tiến độ phát triển mắc-ca tại Việt Nam tưởng như mắc kẹt với dư luận hoài nghi, sự “chống phá” của các “thế lực” mà ông nói như trên, cùng sự dè chừng đến thờ ơ của cơ quan chuyên trách là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai năm trước.

“Chúng tôi phải liên tục mời các lãnh đạo sở ngành, các cơ quan truyền thông, đại diện các hộ dân đi khảo sát tận nơi, tận mắt các thị trường, các quốc gia đã phát triển mắc-ca. Họ đã thấy, đã hiểu và tin chúng tôi nói đúng, làm đúng, con đường phát triển mắc-ca tại Việt Nam là đúng”, GS. Nguyễn Lân Hùng nói.

Tại hội nghị, GS. Hoàng Hòe, người đã nghiên cứu và trực tiếp làm mắc-ca tại Việt Nam hàng chục năm qua cho biết, qua các chuyến khảo sát thực tế tại Úc, Nam Phi, Trung Quốc, người ta tận mắt chứng kiến và ngỡ ngàng với quy mô phát triển bên ngoài, tầm chất lượng sản phẩm và tổ chức thương mại, cũng như sức tiêu thụ và tiềm năng các thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam, với lợi thế khí hậu thổ nhưỡng với loại cây này, mất vài chục năm thí điểm rồi hai năm qua quyết tâm, mà tầm vĩ mô chiến lược vẫn loay hoay. Và cho đến nay, mắc-ca tại Việt Nam vẫn chủ yếu vượt khó bằng nội lực tự thân.

Hai năm qua, từ đầu mối Hiệp hội, hơn 300 thành viên đến từ các hộ dân đã ngồi lại với nhau, chia sẻ và chỉ vẽ cho nhau tự làm mà không đợi cơ chế hay chiến lược hỗ trợ nào của Nhà nước. Các vườn giống từ tự phát kiểu phong trào đang từng bước được chuẩn hóa, bên cạnh những đầu mối của các tổ chức chuyên nghiệp. Các nhà máy chế biến đã lần lượt đi vào hoạt động, sản phẩm đã bắt đầu có trên thị trường, dù còn sơ bản và hạn chế.

Tại Nam Phi, các chủ trang trại đã và đang sát cánh với nhau như vậy. Những chiếc xe bán tải chụm đuôi trên các cánh đồng mắc-ca để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về giống, chăm sóc, cảnh báo sâu bệnh, về sản phẩm, giá cả thị trường… có thể xem như hình ảnh đoàn kết, tự lực của các chủ trang trại trong phát triển mắc-ca tại quốc gia này.

Hình ảnh đó đã có tại Việt Nam hai năm qua. Qua kết nối và định hướng của Hiệp hội, nhận thức được hướng đi chuẩn hóa vì lợi ích chung, các hộ dân đã cùng bàn, cùng tìm hiểu, cùng làm để cùng đúng, thay vì tự phát và manh mún như trước đây.

Giai đoạn mới

Tại hội nghị trên, GS. Nguyễn Lân Hùng vui mừng, vì ông cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của mắc-ca Việt Nam đã qua rồi. Phía trước, những bước đi tương lai cũng đã rõ và tự tin hơn, gắn với tầm nhìn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

GS. Hùng cho biết, ngày 21/4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp họp bàn với Hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp và hộ dân để định hướng phát triển mắc-ca thời gian tới.

“Chúng ta cùng quyết tâm để biến khát vọng bằng sự cống hiến. GS. Hoàng Hòe, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đều đã ở tuổi 80 nhưng các đồng chí vẫn say mê, miệt mài cống hiến cho nông dân thì không cớ gì chúng ta ngồi đây lại không chung tay vì trách nhiệm đó”, Bộ trưởng nói.

Cá nhân ông Nguyễn Xuân Cường đã nghiên cứu, khảo sát thực tế và thảo luận với các đầu mối chuyên trách để đánh giá lợi thế và tiềm năng phát triển mắc-ca tại Việt Nam. Và ông đánh giá: “Mắc-ca có thể trở thành một ngành hàng mới và chớ có nhìn thế giới mà ngại mình. Con tôm, cây cao su chúng ta cũng từng cõng từ thế giới về đấy. Đừng nghĩ đưa của thế giới về mà lại ngần ngại, mình có đủ lực để phát triển”.

“Chúng ta phải nói rõ với nhau rằng, phát triển mắc ca nếu không nhanh là mất cư hội”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại cuộc họp trên.

Tuy nhiên, ông lưu ý, bên cạnh yêu cầu chuẩn hóa giống, quy trình chăm sóc, Việt Nam phải tạo được chuỗi giá trị chế biến sâu, tạo được những sản phẩm khai thác giá trị đích thực của mắc-ca như tinh dầu, dầu ăn, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, chứ không chỉ sản phẩm cơ bản hay xuất khẩu thô.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đầu mối chuyên trách trong thời gian hai tháng phải nắm được thực trạng sát thực của mắc-ca Việt Nam hiện nay, xây dựng báo cáo chi tiết và tỉ mỉ cùng bản hoạch định chiến lược. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức hội nghị triển khai cho giai đoạn mới.

Theo đó, định hướng bước đầu, từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn tất nghiên cứu cơ bản; từ năm 2020 tăng tốc, triển khai với tinh thần tích cực nhất, quản lý chặt nhất và theo công cụ của nền kinh tế thị trường.

Về giai đoạn mới của phát triển mắc-ca tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Tôi xin khẳng định lại là sẽ còn muôn vàn khó khăn, nhưng nhất định mình phải quyết tâm và nỗ lực lớn để làm cho bài bản. Phải chớp thời cơ, nếu không nhanh thì mất thời cơ”.

Minh Đức

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.