|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

M&A qua góc nhìn của Chủ tịch Tập đoàn TTC

14:29 | 29/11/2023
Chia sẻ
Qua những cơn biến động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Tập đoàn TTC đánh giá 2024 là năm mà doanh nghiệp Việt Nam nên hướng về đường đua mới với rất nhiều cơ hội đan xen thách thức, nền kinh tế có cạnh tranh thì mới phát triển.

Tại Diễn đàn M&A được tổ chức chiều ngày 28/11, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, cho biết M&A là từ đã được nhen nhóm cách đây 20 năm, trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Dường như ông là người đi M&A nhiều nhất vì đây là con đường phù hợp với chiến lược, hoài bão của mình.

Theo lời kể của Chủ tịch Tập đoàn TTC, vào năm 2001, ông cùng đội ngũ đã M&A thành công hai ngân hàng gồm Ngân hàng Đông Phương và Ngân hàng TMCP Nông Thôn Thạnh Thắng (Hậu Giang).

Năm 2010, khi Tập đoàn Bourbon (Pháp) đặt vấn đề mời Tập đoàn TTC tham gia nhận chuyển giao, Chủ tịch Bourbon khi đó chia sẻ ông có 16 năm gầy dựng hai nhà máy đường lớn nhất Việt Nam và bây giờ ông muốn nhượng lại bởi nhận thấy trách nhiệm của mình đối với nông dân Việt Nam, với thị trường Việt Nam và Tập đoàn TTC là đối tác mà ông tin tưởng.

“Tập đoàn TTC đã sẵn sàng tiếp nhận hai nhà máy này và tôi nhận thấy rằng mình cần tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam. Dù có nhiều khó khăn như hạn điền - vấn đề lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung và mía đường nói riêng - nhưng đến nay thông qua Đường Biên Hòa, TTC đã có thị phần rất lớn, xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

TTC có 44 năm phát triển và làm thương mại là chính. Tôi chỉ có xây dựng một nhà máy đường, khách sạn cũng xây duy nhất một cái ở Dốc Lết (Khánh Hòa) cách đây ba tháng, còn lại đều là M&A và phương thức này chiếm tỷ trọng rất lớn trong chiến lược phát triển của tập đoàn”, ông Đặng Văn Thành nói.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, M&A tạo ra rất nhiều cơ hội cho người mua và người bán. Tất cả các doanh nghiệp đều có định hướng chiến lược phát triển, vấn đề là chọn thời điểm nào, thị phần nào để triển khai. Người bán nên chọn thời điểm tốt nhất để thấy được nội lực, còn người mua thấy tiềm năng mở rộng thị phần. (Ảnh: Tập đoàn TTC).

Theo người đứng đầu Tập đoàn TTC,  các chu kỳ kinh tế trong quá khứ đều mở ra cơ hội sau đó, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Đến năm 2019 có sự thay đổi rất lớn về cấu trúc thị trường khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kéo theo sự chuyển dịch kinh khủng của một công xưởng lớn nhất thế giới. Singapore đã tuyên bố giành quỹ đất phục vụ du lịch và tài chính, chuyển tất cả nhà xưởng sang các quốc gia lân cận. Đây chính là cơ hội của doanh nghiệp.

Qua những cơn biến động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Chủ tịch Tập đoàn TTC đánh giá 2024 là năm mà doanh nghiệp Việt Nam nên hướng về đường đua mới với rất nhiều cơ hội đan xen thách thức, nền kinh tế có cạnh tranh thì mới phát triển.

Hai vấn đề cần lưu tâm khi M&A

M&A có thể từng phần có thể theo các tỷ lệ 36% - 49% - 51% - 65%, đây là hình thức đồng hành thương hiệu, còn M&A toàn phần là phủ kín từ vốn, quản trị... Từ kinh nghiệm ở vị thế người mua, Chủ tịch Tập đoàn TTC lưu ý việc tiếp nhận là khâu vô cùng quan trọng trong quá trình M&A bởi hai văn hóa có nhiều sự khác biệt.

“Có nhiều vị trí tôi khuyên mọi người nên giữ để đào tạo, ôm ấp, sưởi ấm, truyền cảm văn hóa của mình bằng những quy chế, quy trình… để trong bước đường hội nhập của họ sẽ ít những tổn thất.

Nếu tiếp nhận thiếu chuyên nghiệp một chút thì sẽ dẫn đến hệ lụy không hề nhỏ. Bản thân người chủ không nói nhưng nếu tiếp nhận tốt thì cán bộ công nhân viên họ sẽ có niềm tự hào, sẵn sàng tham gia phát triển, cho nên chúng ta phải hết sức tinh tế ở khâu tiếp nhận”, ông Thành lưu ý.

 

Chiến lược phát triển của doanh nhân có nhiều sự thay đổi và khác biệt qua từng thế hệ nhưng trên hết vẫn là tinh thần, khát vọng. Để đạt được khát vọng đó thì M&A là con đường hết sức quan trọng. Trong quá trình đi tắt, đón đầu này bắt buộc phải tính toán được chi phí cơ hội nhất định.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC

Điểm lưu ý thứ hai mà Chủ tịch Tập đoàn TTC nhắc đến làn thời điểm quyết định M&A, không chỉ chuẩn bị mỗi tài lực mà còn cả nhân lực. Những doanh nghiệp, đặc biệt là starup dám chuyển nhượng lúc đang thịnh (thị phần, thị trường hay nội tại nói chung) sẽ được đánh giá cao hơn những doanh nghiệp đợi đến suy mới bán. Ngược lại, người mua phải tính toán được thời điểm và dám mua, tương tự các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mua “future” - kỳ vọng tương lai.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn TTC, M&A thực tế không có bí quyết mà dựa trên nền tảng, khát vọng, chiến lược, văn hóa của doanh nghiệp. M&A toàn phần hay từng phần thành công xuất phát từ tâm, từ thiện cảm của người muốn mời mình đồng hành. Nói ngắn gọn theo cách của người Việt là mang cái tâm ra thu phục.

Ví dụ khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ tìm hiểu rất kĩ về văn hóa đối tác. Do vậy, ngoài luật pháp thì doanh nghiệp nội cần tiếp cận họ trên văn hóa người Việt, chào đón họ sẽ tạo được thiện cảm cho những bước tiếp theo.

Nguyên Ngọc