Lý giải hiện tượng ACB
Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ sau sự kiện bầu Kiên bị bắt vào 20/8/2012
Sau sự kiện bầu Kiên bị bắt vào ngày 20/8/2012, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) rớt từ mức giá hơn 20.000 đồng/cp liên tiếp trong vòng ba tháng, xuống mức 11.580 đồng/cp vào ngày 30/11/2012.
Giai đoạn 2013 - 2014 sau đó, giá cổ phiếu ACB khá im ắng khi xoay quanh 12.000 – 13.000 đồng/cp, thanh khoản lẹt đẹt.
Bước sang 2015 - 2016, cổ phiếu ACB có dấu hiệu tích cực hơn khi giá dần nhích lên vùng 15.000 đồng/cp, có thời điểm giá ACB lên đến 19.550 đồng/cp.
Đến đầu 2017, khi ACB đạt khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu thì cũng là lúc đà tăng bắt đầu xuất hiện và đến nay gần như vẫn chưa có điểm dừng. Chốt phiên 22/3/2018, cổ phiếu ACB ở mức 47.000 đồng/cp, gấp 2,4 lần đầu năm 2017. Thậm chí cách đây không lâu, ACB đạt đỉnh kỷ lục gần 11 năm tại 51.700 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ năm 2007 (biểu đồ có điều chỉnh). Nguồn: VNDirect. |
Ngoài giá, thanh khoản ACB cũng trở nên "đậm" trở lại sau khoảng 10 năm thưa thớt. Bình quân năm 2017 của ACB đạt gần 2,8 triệu đơn vị/phiên. Thanh khoản bình quân của ACB từ đầu 2018 đến nay đạt gần 5,2 triệu đơn vị/phiên.
Không riêng ACB, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong một năm trở lại đây. Riêng đối với ACB, những thông tin xung quanh việc ngân hàng vượt qua được giai đoạn khó khăn sau biến cố với bầu Kiên, cùng với cơ cấu tài sản sạch sẽ cùng các con số tài chính sáng sủa là yếu tố chính đốc thúc được thị giá ACB chạy tốt như vậy.
Nhờ đâu?
Từ mức dư nợ 8.667 tỷ đồng và dự phòng trích lập 249 tỷ đồng vào cuối 2012, đến hết năm 2017 quy mô khoản nợ sau trích lập dự phòng của 6 công ty G6 liên quan đến bầu Kiên chỉ còn gần 600 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2018.
Tổng hợp: Tuệ An. |
Tỷ lệ nợ xấu của ACB đã cải thiện đáng kể sau khi xóa sổ hết toàn bộ nợ xấu được bán cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) vào năm 2017.
Bên cạnh đó là thông tin tích cực đến từ các con số tài chính của ACB năm 2017. Mặc dù chi phí dự rủi ro trong năm 2017 của ACB tăng khá mạnh với gần 54%, nhưng có được lãi lớn từ hoạt động kinh doanh khác và hoàn nhập dự phòng chứng khoán đầu tư, kết quả năm qua ACB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.100 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2012 đến nay.
Tổng hợp: Tuệ An. |
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), việc thanh lý tài sản tồn dư của nhóm công ty G6 có thể là nguồn lợi nhuận tiềm năng của ACB trong năm 2018. Hơn nữa, nếu ngân hàng phát hành tăng vốn, phần thặng dư vốn cổ phần có thể giúp giá trị sổ sách (BVPS) của cổ phiếu ACB tăng lên đáng kể.
Cũng mới đây, Fitch Rating giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ACB ở mức B với triển vọng ổn định. Theo đánh giá từ Fitch, xếp hạng của ACB phản ánh chất lượng tài sản cải thiện và danh mục sinh lời. Chất lượng khoản vay có thể tốt hơn so với hầu hết ngân hàng khác do rủi ro tập trung nợ thấp hơn rất nhiều, với mức lãi suất 1% cho các doanh nghiệp nhà nước vào cuối tháng 6/2017.
Fitch kỳ vọng ACB sẽ tiếp tục tăng khả năng sinh lời trong thời gian tới bởi các khoản nợ xấu chủ yếu được trích lập và việc xử lý đầy đủ nợ xấu bán cho VAMC sẽ làm giảm gánh nặng chi phí tín dụng. Tỷ suất lợi nhuận trên rủi ro hoạt động của ngân hàng tăng lên 1,9% trong 6 tháng đầu năm 2017 từ mức trung bình 4 năm 1,2% tính đến cuối năm 2016.