Lương lao động ngành dệt may tăng 12%
Theo số liệu của JobStreet.com Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may đang có xu hướng tăng lên với số lượng các vị trí tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, mức lương trung bình của ngành dệt may cũng đang tăng lên và theo đánh giá của JobStreet.com Việt Nam mức lương lao động của ngành này đã vượt qua ngưỡng trung bình.
Lương trung bình của ngành dệt may Việt Nam đang có xu hướng tăng lên trong năm 2016. (Ảnh: JobStreet.com). |
Cụ thể, theo báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam thì mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015. Dựa trên báo cáo này, một lao động ngành dệt may trung bình kiếm được 402-604 đô la Mỹ/tháng (8,4 triệu-12,6 triệu đồng). Tuy nhiên, mức lương này chỉ bằng gần một nừa so với Malaysia (725-1.019 đô la Mỹ/tháng) và bằng một phần tư so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore.
Trong khi đó, mức lương trung bình của ngành dệt may Philippines chỉ cao hơn 1,1 lần so với Việt Nam. Còn so với Indonesia, mức lương trung bình ngành dệt may tại Việt Nam cao hơn khoảng 1,2 lần (343-510 đô la Mỹ/tháng).
Theo ghi nhận của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình của ngành dệt may đã cao hơn so với mức lương trung bình trên thị trường Việt Nam (384-582 đô la Mỹ).
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng vừa công bố Việt Nam là quốc gia tuân thủ tốt chế độ lương tối thiểu ngành dệt may, có tỷ lệ vi phạm “quy định về lương tối thiểu” thấp nhất trong 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại khu vực châu Á. Trong đó, theo báo cáo của ILO thì cứ 100 lao động trong ngành dệt may tại Việt Nam chỉ có 6,6 người bị trả dưới mức lương tối thiểu (6,6%). Còn Philippines là nước đứng đầu với tỷ lệ người lao động nhận lương thấp hơn mức tối thiểu (53,3%); Campuchia và Indonesia cũng nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng lao động bị trả lương dưới mức tối thiểu khá cao, khi có khoảng ¼ người lao động nhận dưới mức này.
Theo Chí Thịnh
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn