|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Luật sư đề nghị xem lại tội danh, tiền thiệt hại cho bà Trương Mỹ Lan

16:18 | 20/03/2024
Chia sẻ
Các luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ án tại SCB, đề nghị tòa xem xét lại toàn diện về tội danh và số tiền thiệt hại cáo buộc thân chủ.

Ngày 20/3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người khác về các sai phạm tại Ngân hàng Thương Mại cổ phần Sài Gòn (SCB) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Trước đó, bà Lan bị VKS đề nghị mức án 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản.Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.

Trong sáng nay và chiều muộn hôm qua, 5 luật sư của bà Lan lần lượt phát biểu quan điểm bào chữa cho thân chủ. Họ đề nghị HĐXX xem xét nhiều vấn đề gồm: bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến vụ án; việc xác định tội danh; kết quả thẩm định giá làm căn cứ xác định thiệt hại của vụ án mà thân chủ phải chịu trách nhiệm.

Bối cảnh hợp nhất, thực hiện đề án tái cơ cấu SCB

Là người đầu tiên trình bày, luật sư Phan Trung Hoài nhắc lại vấn đề thân chủ từng khai ở phần xét hỏi, rằng bà Lan được vận động tham gia hợp nhất và tái cơ cấu 3 ngân hàng vì có nhiều tài sản, có uy tín, sẽ là kỳ vọng giúp quá trình hợp nhất các nhà băng thành công. "Thực tế, bà Lan đã kêu gọi bạn bè, người thân mua trên 65% cổ phần của 3 ngân hàng, kêu gọi cổ đông nước ngoài và cho mượn tài sản, đưa nhiều tài sản hợp pháp có giá trị lớn hàng chục nghìn tỷ đồng của cá nhân, gia đình vào SCB để có tiền đảm bảo thanh khoản, tránh vỡ nợ cho ngân hàng", ông Hoài nói.

Luật sư viện dẫn đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về giai đoạn tái cơ cấu SCB từ 2012-2017 chưa thành công do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, SCB phải xử lý khối lượng nợ xấu, tài sản tồn đọng từ trước khi hợp nhất đặc biệt lớn. Việc tái cơ cấu một ngân hàng vốn dĩ đã có tình trạng tài chính yếu kém khiến bà Lan đứng trước nhiều áp lực, thách thức.

Theo luật sư, ở giai đoạn sau, các khó khăn tồn đọng vẫn chưa thể giải quyết, trong khi nền kinh tế đang rất khó khăn, dịch Covid -19 bùng phát. Việc SCB phải xử lý cơ bản các tồn tại trong hai năm (2020-2021) theo yêu cầu của Thủ tướng là "vô cùng không thể hoàn thành". Đến năm 2022 trở đi, SCB đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu và tài sản tồn đọng, đa dạng hóa cổ đông với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Song, trước khi đề án cơ cấu giai đoạn 2022-2028 được phê duyệt thì bà Lan bị khởi tố và đối diện nhiều tội danh.

 

 Các luật sư của bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Thanh Tùng

 

 

Đề nghị xem xét lại tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ

VKS xác định, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.

Về cáo buộc này, luật sư Phan Trung Hoài nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này là do các vấn đề trong cơ chế vận hành, quy trình hoạt động cho vay của Ngân hàng SCB. "Ngoài ra cũng xuất phát từ mặt chủ quan trong nhận thức của bà Lan với tư cách cổ đông và đại diện nhóm cổ đông lớn của SCB", ông Hoài nói, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét việc truy tố thân chủ về tội Tham ô tài sản và bị VKS đề nghị mức án lên đến tử hình.

Theo luật sư, bà Trương Mỹ Lan không ký bất kỳ hồ sơ vay và đảm bảo tiền vay nào, chỉ lo việc đưa toàn bộ tài sản, dự án có giá trị nhằm đảm bảo khoản vay tái cơ cấu. Nhiều bị cáo có lời khai rằng các hồ sơ cấp tín dụng, cho vay được thực hiện theo chỉ đạo bà Lan, nhưng về pháp lý, việc duyệt các hồ sơ tín dụng thuộc thẩm quyền HĐQT và Ban điều hành SCB.

"Để có thể truy tố và xét xử bà Lan về tội Tham ô tài sản thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bà Lan là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt", ông Hoài dẫn nguyên tắc định tội danh, thêm rằng các hành vi bà Lan đang bị cáo buộc về bản chất được xem là cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đã tách ra thành hai tội độc lập với lý do căn cứ vào hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) "là chưa thỏa đáng".

Về các khoản vay bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt, luật sư phân tích, thực tế, bà Lan đã cho SCB mượn tài sản của gia đình và bạn bè để tái cơ cấu SCB. Bà Lan là người bảo lãnh vì phải giữ uy tín nên đã phải tìm mọi cách trả thay cho SCB. Do đó, khoản tiền hơn 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD mà tài xế vận chuyển từ SCB về tòa nhà 127 Pasteur "thực chất là tiền của bà Lan rút ra để thay SCB trả nợ".

 

 Bà Trương Mỹ Lan trong lúc được các luật sư bào chữa. Ảnh: Thanh Tùng

 

 

Đồng quan điểm với cộng sự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) viện dẫn nhiều quy định của pháp luật và cho rằng hồ sơ thể hiện bà Lan "không phải là người quản lý, điều hành hoạt động của SCB". Vì vậy, bị cáo không có trách nhiệm quản lý tài sản của SCB. "Nếu có căn cứ xác định bị cáo đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không cấu thành tội Tham ô tài sản", luật sư Thiệp nói.

Về tội Đưa hối lộ, theo ông Thiệp, lời khai của bị cáo Lan, Đỗ Thị Nhàn và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) không phù hợp với nhau. Bị cáo Nhàn khai yêu cầu bà Lan bán tài sản để khắc phục, tất toán, thu hồi nợ tại các khoản vay lớn có sai phạm. Bị cáo Lan khai, cuộc gặp lần thứ nhất là để xác nhận tài sản đang đảm bảo cho các khoản vay tại SCB "có phải là tài sản của bị cáo hay không". Lần thứ 2 là do Văn nhờ bà Lan gặp bị cáo Nhàn và nói giúp kết thúc thanh tra tại SCB sớm.

"Vì vậy, ngoài lời khai của bị cáo Văn thì không có chứng cứ khác chứng minh bà Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Hơn nữa, lời khai của Văn cũng không có chứng cứ nào khác chứng minh lời khai đó là đúng sự thật, đồng thời tính khách quan của lời khai này cần được đánh giá lại", luật sư Thiệp nói, đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc thân chủ tội Đưa hối lộ.

Trong phần luận tội hôm qua, VKS xác định, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu.

 

 Các bị cáo ở khu liên thông giữa hai phòng xử lớn nhất của TAND TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

 

Căn cứ tính thiệt hại của vụ án

Bà Lan bị cáo buộc trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay gây thiệt hại 677.000 dư nợ gốc và lãi. Tuy nhiên, VKS xác định, thiệt hại của vụ án là hơn 498.000 tỷ đồng, trên cơ sở xem xét theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, sau khi cấn trừ đi giá trị các tài sản đảm bảo. Từ đó, VKS đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB 677.000 tỷ đồng thiệt hại và lãi phát sinh.

Không đồng ý với quan điểm trên, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, cần xác định lại thiệt hại của vụ án, bởi các chứng thư thẩm định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân "có hay không giá trị pháp lý trong việc xác định thiệt hại?". Theo ông, SCB ký hợp đồng thuê Công ty Hoàng Quân để định giá tài sản của ngân hàng nhằm xác định giá trị của ngân hàng nhưng chính SCB đã phủ nhận nhiều kết quả của công ty này. Cụ thể là, trong 726 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay được Công ty Hoàng Quân định giá thì SCB chỉ chấp nhận định giá 520 mã tài sản, còn lại SCB loại bỏ các tài sản này.

"Không hiểu tại sao SCB lại loại bỏ các tài sản đó? Việc xác định thiệt hại dựa trên nguyên tắc lấy dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo đã khiến bà Lan phải chịu trách nhiệm với số thiệt hại cao hơn rất nhiều so với sai phạm bị cáo buộc", luật sư Thanh nói.

Hiện, chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân là văn bản duy nhất cơ quan tố tụng dùng để xác định thiệt hại. Trong khi đó chứng thư thẩm định giá đối với bất động sản có giá trị trong vòng 6 tháng, động sản là 3 tháng - tức tính đến thời điểm hiện nay đã hết hiệu lực, không có ý nghĩa trong việc làm căn cứ tính thiệt hại. "Nếu tính đúng, tính đủ thì số thiệt hại của vụ án sẽ không nhiều như vậy hoặc có thể không gây thiệt hại", ông Thanh nói.

Ngoài ra, theo ông Thanh, trong nhận thức bà Lan không nghĩ mình phạm tội như cáo buộc, song đến nay đã nỗ lực gửi đến HĐXX 3 nguyện vọng nhằm xử lý hậu quả của vụ án, gồm: ủy quyền toàn bộ cổ phần của cá nhân, gia đình, bạn bè cho Ngân hàng Nhà nước để điều hành SCB; xử lý toàn bộ tài sản thế chấp, kê biên để khắc phục hậu quả; đưa thêm các tài sản chưa kê biên. Do đó, luật sư đề nghị tòa xem xét toàn diện, ghi nhận cả "công sức đối với SCB".

Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần tự bào chữa của bà Lan và các luật sư khác trong vụ án.

Hải Duyên

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.