Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua: Gỡ bỏ nhiều điểm nghẽn
Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và có nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Luật Nhà ở mới ban hành có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014.
Vị này dẫn chứng, khoản 3 Điều 36 Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai đã dẫn chiếu về Luật Đất đai rất chính xác.
Quy định này bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và đã khắc phục được bất cập của điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 quy định chỉ định chủ đầu tư và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã “vênh” với các quy định của Luật Đất đai 2013.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (nhà chung cư mini), Điều 57 của Luật này đã quy định rất chặt chẽ để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư là cá nhân khi quy định phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Theo đó, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở; phải chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Việc bán, cho thuê, cho thuê mua phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; người mua nhà tại các nhà chung cư mini được cấp Giấy chứng nhận...
Cũng theo đánh giá của ông Châu, Điều 58 Luật Nhà ở (sửa đổi) không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của các chủ sở hữu nhà chung cư. Đồng thời, với các quy định tại Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn có đầy đủ các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khi nhà chung cư đã hết thời hạn sử dụng hoặc bị xuống cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng.
Ngoài ra, Điều 63 Luật này quy định cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó có cơ chế ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tuy đã được quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP và Nghị định 69/2021/NĐ-CP nhưng chưa áp dụng được trên thực tế.
Theo đánh giá của vị này, cơ chế ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất này là một chính sách rất quan trọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các đô thị, nhất là Hà Nội và TP HCM.
Có cơ chế chính sách đồng bộ để phát triển nhà ở xã hội
Chủ tịch HoREA cho biết thêm, Chương VI Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chính sách về nhà ở xã hội đã quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, khoản 5 Điều 77 quy định hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hoặc để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mua, thuê mua nhà ở xã hội, đã khắc phục bất cập của khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014.
Điều 78 quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đã bãi bỏ điều kiện cư trú, hoặc giao cho Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập là rất hợp tình hợp lý, để phù hợp với thực tế dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương và để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.
Khoản 2 và khoản 3 Điều 83 quy định “Tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, căn cứ quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội..." được ông Châu đánh giá là rất cần thiết.
Quy định như này cũng là nhằm để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực từ tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại để tham gia phát triển nhà ở xã hội và đã khắc phục được các quy định bất cập của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP…
Ngoài ra, Điều 152, Điều 153 và Điều 154 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở có trách nhiệm lập tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì và quy định chủ đầu tư không được sử dụng kinh phí bảo trì vào bất kỳ mục đích nào khác khi chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư... là phù hợp với thực tiễn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của vị này, bên cạnh mặt tích cực là chủ đạo thì cũng còn một số quy định cần được tiếp tục cân nhắc xem xét.
Trong đó có việc chưa quy định chính sách hỗ trợ cho khoảng trên dưới 100.000 chủ nhà trọ với hàng trăm ngàn phòng trọ trong cả nước đang giải quyết chỗ thuê trọ cho công nhân, người lao động và việc không còn quy định sở hữu nhà ở có thời hạn (không phải là sở hữu nhà chung cư có thời hạn).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/