|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ gạch đầu dòng nội dung'

17:06 | 09/11/2016
Chia sẻ
Đại biểu Phan Đình Trạc cho rằng, dự án Luật còn nhiều vấn đề cần bàn luận, các nội dung hỗ trợ chỉ mới được gạch đầu dòng, thể chế hóa về hỗ trợ chưa được cụ thể.
luat ho tro doanh nghiep nho va vua moi chi gach dau dong noi dung
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng luật hỗ trợ. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 9/11, các đại biểu góp ý về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cho rằng Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những Luật quan trọng, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn khá nhiều vấn đề bất cập cần thảo luận.

Phân loại doanh nghiệp theo doanh thu

Theo đánh giá của đại biểu Thạch Phước Bình đoàn Trà Vinh, dự thảo Luật hiện đang áp dụng quá rộng. 97% số doanh nghiệp trên cả nước, tương ứng khoảng 520.000 doanh nghiệp được phân loại nhỏ và vừa. Trong khi đó, nguồn lực thì có hạn không thể tập trung chính sách hỗ trợ toàn bộ được, đại biểu này nhận định.

Đồng ý với quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Nguyễn Vân Chi nói: "Tôi rất lo ngại về mặt ngân sách, ít nhất phải ước lượng được chi phí và nguồn lực cho hỗ trợ. Chính phủ cần đánh giá lại tác động của ngân sách đối với dự Luật này".

Lo ngại các doanh nghiệp được hỗ trợ không đúng thực chất, bà Chi cho rằng trước hết nên phân loại lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí về doanh thu thay vì vốn đăng kí và lao động như hiện nay.

Mặc dù trong luật nói chỉ ưu đãi gián tiếp qua trung gian, nhưng thực tế sẽ là trực tiếp khi các doanh nghiệp được ưu đãi về điều khoản thuế. "Liên quan đến thuế nên quản lý bằng doanh thu là tốt nhất. Bởi về vốn doanh nghiệp có thể tự đăng kí thấp để hưởng ưu đãi", bà Chi nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình, Chủ tịch VCCI bổ sung với Quốc hội ý kiến về trường hợp doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa có nên được hưởng ưu đãi theo dự Luật này? Ông phân tích, theo lý thuyết doanh nghiệp FDI là một thành phần của nền kinh tế, hỗ trợ đối tượng này chính là thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm lo ngại về ngân sách như bà Chi, ông cho rằng ngân sách quá hạn hẹp để hỗ trợ cả đối tượng này.

Chủ tịch VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại, đưa các doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa ra khỏi phạm vi hỗ trợ theo Luật này (theo WTO) hoặc ít nhất là ra khỏi phạm vi hỗ trợ trong các lĩnh vực mà Việt Nam bảo lưu theo TPP. Bởi các FTA mà Việt Nam kí chỉ chặt chẽ tuyệt đối về thương mại hàng hóa.

Chia sẻ thêm về điểm bất hợp lý trong phân loại doanh nghiệp, bà Vân Chi cho rằng việc ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất cho các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là không hợp lý. Bởi họ chỉ cung cấp dịch vụ mà được hỗ trợ như các doanh nghiệp thuộc Luật, trong khi ưu đãi về sử dụng đất mang lại lợi ích rất lớn.

Ai là người thực hiện, thực hiện như thế nào?

Lo lắng về tính khả thi của Luật, đại biểu Phan Đình Trạc cho rằng, dự án Luật còn nhiều vấn đề bất cập cần bàn luận, các nội dung hỗ trợ chỉ mới được gạch đầu dòng, thể chế hóa về hỗ trợ chưa được cụ thể.

Đồng tình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng Dự thảo Luật hầu như chỉ nêu tên của các biện pháp hỗ trợ mà không có bất kỳ quy định cụ thể nào về nội dung, chủ thể, cách thức thực hiện biện pháp đó.

Ông lấy ví dụ, dự Luật đưa ra hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ nhưng không có bất kỳ quy định nào về việc ai sẽ thực hiện, cách thức tổ chức các biện pháp hỗ trợ này. Cụ thể, dự thảo có yêu cầu “nghiên cứu, đổi mới công nghệ” nhưng chưa chỉ rõ hỗ trợ tiền để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự nghiên cứu, hay Nhà nước nghiên cứu rồi chuyển giao miễn phí cho doanh nghiệp.

Ngay cả với chương trình hỗ trợ trọng điểm, ông Lộc cho rằng còn nhiều vẫn đề về nguyên tắc. “Ưu đãi miễn, giảm thuế nhưng lại “theo quy định của pháp luật thuế", thế này thì là bình thường chứ hỗ trợ gì?”, ông Lộc đưa dẫn chứng.

Trên thực tế, Luật vẫn phải nêu các vấn đề nguyên tắc về mức, cách thức, đối tượng được hưởng hỗ trợ dù có các nghị định hướng dẫn, vị chủ tịch VCCI nhận định.

Đại biểu Thạch Phước Bình bổ sung, ngoài quy định rất rõ ràng buộc các bộ ngành thực hiện ưu đãi về thuế, những chính sách khác trong Dự thảo Luật như chế tài về đất đai chưa có biện pháp để xử lý. Ông khuyến nghị phải gắn trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lại cho rằng, Dự thảo Luật đang lẫn lộn giữa nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với biện pháp hỗ trợ. Về biện pháp “tạo môi trường, điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính”, theo ông, đây là nghĩa vụ của Nhà nước, không phải là hỗ trợ. "Mà ngay cả khi là hỗ trợ thì việc quy định thêm trong Luật này cũng không tạo ra ý nghĩa thực tiễn nào", ông Lộc nói.

Ngoài ra, ông Lộc cũng lưu ý, một số biện pháp can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như đề nghị ngân hàng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp các khoản vay với lãi suất, thủ tục, điều kiện… Như vậy, quyền tự do kinh doanh các ngân hàng thương mại đang bị hạn chế.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuệ Minh - Thanh Xuân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.