Luật Đường sắt: Ý kiến rất tâm huyết nhưng tiếp thu rất khó
Kết quả biểu quyết Luật Đường sắt (sửa đổi). |
Trước khi các vị đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật.
Báo cáo cho biết, về chính sách phát triển đường sắt, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư tối thiểu trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông vận tải để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Đề nghị ấn định tỉ lệ này tối thiểu là 35%.
Nhận thấy đây là ý kiến rất tâm huyết nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt để giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu quy định cứng về tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt trong tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông sẽ khó khả thi trong thực tế. Vì việc phân bổ nguồn vốn cho các phương thức vận tải cần phải đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ và đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn, đồng thời cũng không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo luật.
Theo đó, tại điều 5 nhiều quy định có hai chữ ưu tiên, khuyến khích trong đó có ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch, nhưg không quy định con số nào cụ thể.
Có ý kiến đại biểu đề nghị cần phải hướng tới để đưa ngành đường sắt theo cơ chế thị trường chính là chuyển cơ chế từ phí sang giá. Nhất trí với ý kiến đại biểu, nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian. Hiện nay ở nước ta, kết cấu hạ tầng đường sắt còn rất lạc hậu, chi phí vận hành đường sắt rất cao là nguyên nhân chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác. Nhà nước đang áp dụng cơ chế phí từ doanh thu vận tải đường sắt khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá để thu hút đầu tư kinh doanh thông qua các phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. Bên cạnh đó, vẫn cần áp dụng cơ chế phí như hiện nay để duy trì ổn định hoạt động, tránh có những tác động tiêu cực không cần thiết cho ngành đường sắt. Đồng thời định hướng mở cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo cơ chế thị trường.
Do vậy, dự thảo Luật đã đưa ra hai cơ chế phí và giá là phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt hiện nay và cả trong một số năm sắp tới. Khi điều kiện cho phép sẽ chuyển hoàn toàn sang giá.
Với một số ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có giải trình, tiếp thu. Có ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đường sắt là một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn rất chậm, nên đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung về ưu đãi để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển đường sắt, trên thực tế rất nhiều nước có chính sách tương tự.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng đã bổ sung một số ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.