Luật Du lịch 2017 và những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa (1/1/2018) là thời điểm Luật Du lịch đi vào đời sống, thì các doanh nghiệp du lịch vẫn đang lo lắng vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Theo Luật Du lịch 2017 HDV tại điểm phải đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức. |
Siết quá chặt
Một trong những quy định mới trong luật lần này là yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh du lịch nội địa cũng phải ký quỹ với số tiền 100 triệu đồng. Nếu so với trước đây, chỉ doanh nghiệp kinh doanh quốc tế mới phải đóng tiền ký quỹ, quy định trong luật lần này được đánh giá là cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh và quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn luôn băn khoăn về mức đóng quỹ cũng như quy định các trường hợp được sử dụng quỹ để “bảo đảm quyền lợi của khách hàng và công ty du lịch” đúng như tiêu chí đề ra. Cụ thể, luật mới không hề quy định rõ ràng những trường hợp khẩn cấp như thế nào thì được dùng tiền ký quỹ và ai là người có quyền quyết định rút số tiền này.
Luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 có một số quy định mới về hoạt động của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. |
Chia sẻ với DĐDN, bà Hoàng T. Lan Hương- Giám đốc Cty Vietmoon Travel băn khoăn: “Vậy khi có sự cố, doanh nghiệp muốn đề nghị ngân hàng rút số tiền đó để giải quyết sự cố mà ngân hàng không chấp nhận thì cơ quan nào sẽ là nơi quyết định cuối cùng, thời gian bao lâu thì ngân hàng sẽ giải ngân?”.
Bởi theo bà Hương, thực tế doanh nghiệp đã đóng 500 triệu đồng tiền ký quỹ để tham gia lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy có trường hợp doanh nghiệp nào được sử dụng quỹ này. “Vô hình chung quỹ lại trở thành khoản “tiền chết”, gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nhưng lại là lãng phí, không có hiệu quả. Với số tiền đóng quỹ này doanh nghiệp có thể sử dụng để đặt vé máy bay, nâng cao chất lượng dịch vụ…, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, đây là một khoản phí lớn”, bà Hương nhấn mạnh.
Không phải là câu chuyện riêng của Vietmoon Travel, Tổng giám đốc Công ty VINsmart Travel Nghiêm Thu Hoà cũng có cùng quan điểm khi cho biết, tính hiệu quả của ký quỹ là điều cần được minh bạch với những quy chế sử dụng hiệu quả cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bà Hoà còn cho biết, doanh nghiệp hiện đang rất mơ hồ và hoang mang về các điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên trong Luật Du lịch 2017 sẽ sớm có hiệu lực thời gian tới.
Cụ thể, Tổng giám đốc VINsmart Travel cho biết, doanh nghiệp đang ký hợp đồng lao động chính thức và đảm bảo các điều kiện phúc lợi cho 3 hướng dẫn viên, vào mùa cao điểm, doanh nghiệp phải sử dụng thêm 20-30 hướng dẫn viên cộng tác, tuy nhiên vào thấp điểm chỉ 2 hướng dẫn viên là đủ.
Trong khi đó, luật mới yêu cầu, hướng dẫn viên được phép hành nghề khi đáp ứng ba điều kiện. Trong đó, có quy định hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, được doanh nghiệp đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đồng nghĩa gắn hướng dẫn viên với một doanh nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng quy định này đang “gây khó” cho doanh nghiệp và hướng dẫn viên. Bởi với quy mô hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành thường đi thuê cộng tác viên ngoài thay vì tuyển đủ số lượng hướng dẫn viên cần thiết.
Nói như bà Nghiêm Thu Hoà: “Để doanh nghiệp bỏ chi phí lớn nuôi một bộ máy hướng dẫn viên với các điều khoản về chế độ phúc lợi như vậy là rất bất cập, gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí với doanh nghiệp nhỏ là “không khả thi””. Hơn nữa, theo bà Hoàt, cả nước hiện có hơn 20.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, bản thân các hướng dẫn viên cũng không muốn bị “bó buộc” ở một công ty.
Vô hình chung quy định mới lại khiến doanh nghiệp và hướng dẫn viên bị siết chặt chứ không đạt được mục đích đem đến quyền lợi cho hướng dẫn viên.
Cần có chính sách phù hợp
Vì vậy, Tổng giám đốc VINsmart Travel kiến nghị, nên có chính sách phù hợp với quy mô doanh nghiệp. “Nhà nước cần linh hoạt, để doanh nghiệp sử dụng thêm các hướng dẫn viên cộng tác và quy định hướng dẫn viên cố định phù hợp với quy mô doanh nghiệp. Bởi giữa doanh nghiệp có 50-100 nhân viên và doanh nghiệp chỉ có 5-10 nhân viên đương nhiên khối lượng đoàn đi trong tháng, năm là khác nhau. Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, tránh sử dụng biện pháp cứng nhắc khiến doanh nghiệp phải đối phó. Điều này cũng gây áp lực lên công tác thanh kiểm tra của cơ quan quản lý”, bà Hoà nói.
Còn một vấn đề khác vẫn chưa có lời giải đáp cho doanh nghiệp trong Luật Du lịch 2017, là quy định cho phép cơ sở lưu trú được tự nguyện xếp hạng thay vì bắt buộc. Những tưởng là “mở cửa”, nhưng thực tế quy định lại kèm điều kiện “cơ sở lưu trú “chỉ được sử dụng từ "sao” hoặc hình ảnh ngôi sao cho cơ sở lưu trú sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch". Như vậy, về bản chất thì doanh nghiệp vẫn bị bắt buộc xếp hạng, bởi doanh nghiệp không có cách nào để gắn sao cho khách hàng nhận diện.Thiết nghĩ, mục đích xây dựng Luật là tạo hành lang pháp lý để tập trung nguồn lực đầu tư của xã hội, góp phần hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là thu hút đầu tư vào ngành. Vì vậy, các quy định, chính sách của Luật cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, với điều kiện của doanh nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong tương lai gần.
Dự thảo Luật Du lịch: Có nên bỏ nội dung quy hoạch đô thị du lịch?
Chiều ngày 29/5, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều ... |