|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách lớn về dầu khí

09:44 | 04/06/2022
Chia sẻ
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết các nhóm chính sách liên quan đến hợp đồng dầu khí, các bước triển khai dự án, đầu tư, công tác kiểm toán...

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc xây dựng dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí.

Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Thứ ba, chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Thứ tư, chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.

Thứ sáu, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). (Ảnh: Bộ Công Thương)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhiều ý kiến đề nghị báo cáo về tác động của việc các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn không được quy định tại Luật Dầu khí đối với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí.

Hoạt động vận chuyển, tồn trữ, phân phối, xử lý, chế biến là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực tế có nhiều yếu tố đặc thù, cần có quy định riêng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, phù hợp với đặc tính của hoạt động.

Bên cạnh đó, dự án Luật có quy định về triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí, thực chất là điều chỉnh một số hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn; đề nghị báo cáo về tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về “đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu”, quy định về “liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu”.

Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về phương pháp và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu; hủy thầu; xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu; cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi...

Như Huỳnh