|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lũ chồng lũ là do hồ thủy điện?

21:06 | 03/11/2020
Chia sẻ
Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng không có chuyện lũ chồng lũ bởi tất cả các hồ chứa thủy điện đều có quy trình nghiêm ngặt và các hồ chứa thủy điện không được xả với lưu lượng nước xuống hạ du lớn hơn lưu lượng lũ về hồ

Trả lời phỏng vấn Báo Chính Phủ ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng cho rằng Mỗi hồ chứa thủy điện có vai trò, mục tiêu khác nhau, không phải hồ nào cũng giống hồ nào. 

Lũ chồng lũ là do hồ thủy điện? - Ảnh 1.

Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Ảnh: Báo Chính Phủ

Như hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Sơn La trên sông Đà đặt nhiệm vụ chống lũ trên cả nhiệm vụ phát điện bởi giải quyết được chống lũ cho Đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Do đó, 2 hồ chứa này có tổng dung tích chống lũ là 7 tỉ m3 nước – con số rất lớn. 

Chưa tính hệ thống sông Lô với thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang khoảng 2 tỉ m3 nữa. Với dung tích này, về cơ bản có thể chống được lũ xảy ra với tần suất 500 năm/lần. 

Lũ lớn nhất lịch sử trên sông Đà tính toán được là năm 1996 với lưu lượng khoảng 22.600 m3/s chỉ là 150 năm/lần. Nếu không có hồ Hòa Bình chắc chắn gây ngập lụt cho đồng bằng sông Hồng.

Còn các hồ thủy điện khu vực miền Trung, trên là núi, dưới là biển, sông ngắn và có độ dốc lớn, không thể tạo được hồ có dung tích lớn, nên chỉ có thể góp phần chống lũ.

"Đối với chuyện lũ chồng lũ, tôi hiểu ý dư luận là đã có lũ rồi lại tiếp tục xả nước xuống làm hạ du ngập lụt thêm. Tuy nhiên không có chuyện lũ chồng lũ bởi tất cả các hồ chứa thủy điện đều có quy trình nghiêm ngặt và các hồ chứa thủy điện không được xả với lưu lượng nước xuống hạ du lớn hơn lưu lượng lũ về hồ. 

Chồng lũ là phải so sánh khi hồ chứa xả lớn hơn so với lưu lượng nước về hồ. Nếu chủ hồ nào làm sai quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lâu nay tôi khẳng định không chủ hồ nào chỉ đạo xả lũ lớn hơn so với lũ về hồ cả”, ông Nê nhận định.

Bàn về vấn đề thời gian qua dư luận cho rằng thủy điện là tác nhân gây ra hạn hán, ông Nê cho rằng Không bao giờ có chuyện thủy điện gây ra hạn hán cả bởi hồ chứa ít nhiều đều tích nước. 

Tích nước cho thủy điện để phát điện cũng là để cấp nước cho hạ du. Vấn đề ở chỗ vào mùa kiệt, tức mùa nắng nóng, việc điều hành cấp nước cho hạ du không chỉ có chủ hồ mà việc điều này hành giao cho Lãnh đạo UBND tỉnh. 

"Lãnh đạo tỉnh thấy cần bao nhiêu nước để bảo đảm tưới tiêu, cung cấp cho sinh hoạt thì địa phương chủ động chỉ đạo chủ hồ trên cơ sở các quy định của pháp luật", ông Nê nói. 

Tuy nhiên dung tích hồ chứa chỉ có giới hạn nên các địa phương cần tính toán thời điểm yêu cầu để cấp nước hạ du cho phù hợp, nếu thời điểm cấp nước nhiều mà nước không về hồ dẫn đến hết nước, thì sau đó hạ du có cần nước thì hồ thủy điện cũng không còn nước để cấp cho hạ du nữa.

H.Mĩ