|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lotte E&C muốn xây nhà máy xử lý nước thải 650.000 m3/ngày

07:11 | 21/02/2017
Chia sẻ
Lãnh đạo UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ nhà đầu tư xúc tiến nhanh việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn, công suất 650.000 m3/ngày cho khu vực phía tây thành phố do Liên doanh Lotte E&C – Huvis Water – Honor Shine Global (liên doanh Lotte E&C) đề xuất đầu tư.
lotte ec muon xay nha may xu ly nuoc thai 650000 m3ngay
Một tuyến kênh ở phía tây thành phố - Ảnh: Văn Nam

Hiện nay các lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân là khu vực tập trung đông dân cư và phát triển rất nhanh nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải khiến môi trường nước sông, kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo đề nghị của Lotte E&C, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cống bao và nhà máy ở phía tây thành phố để xử lý nước thải cho 3 lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân, với tổng công suất 650.000 m3/ngày và vốn đầu tư 490 triệu đô la Mỹ.

Việc kêu gọi nhà đầu tư tư nhân nhảy vào lĩnh vực xử lý nước thải cho TPHCM đặt ra trong bối cảnh nhu cầu vốn dành cho các dự án xử lý nước rất lớn nhưng ngân sách thành phố không đáp ứng nổi, một nguồn tin từ Trung tâm điều hành chống ngập TPHCM cho biết qua trao đổi với TBKTSG Online hôm nay (20-2) sau khi tham dự cuộc họp giữa các sở ngành liên quan đến dự án này vào cuối tuần qua.

Theo nguồn tin này, dự án thu gom và xử lý nước thải 3 lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân được Lotte E&C nghiên cứu hơn 2 năm nay và nhà đầu tư này mong muốn sớm được cơ quan chức năng của thành phố duyệt báo cáo đề xuất, hỗ trợ hoàn tất thủ tục để họ tính tiếp bước nghiên cứu khả thi, khởi công triển khai dự án trong năm 2017 và đưa vào vận hành từ năm 2020.

Tổng mức đầu tư được liên doanh Lotte E&C đề xuất cho giai đoạn 1 khoảng 350 triệu đô la Mỹ và giai đoạn 2 khoảng 132 triệu đô la Mỹ theo hình thức hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (hợp đồng BLT). Liên doanh dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành trước giai đoạn 1 của nhà máy với công suất 450.000 m3/ngày từ năm 2020 và nâng lên 650.000 m3/ngày sau năm 2020.

Theo đề xuất, nhà đầu tư sẽ gom chung 3 nhà máy xử lý nước thải được thành phố quy hoạch gồm nhà máy Tân Hóa – Lò Gốm (300.000 m3/ngày), nhà máy Tây Sài Gòn (120.000 m3/ngày) và nhà máy Bình Tân (180.000 m3/ngày) thành một nhà máy đặt tại khuôn viên nhà máy xử lý nước thải tại Bình Hưng Hòa hiện hữu ở quận Bình Tân trên diện tích khoảng 35 héc ta.

Liên doanh Lotte E&C cũng đề xuất xây dựng tuyến cống chuyển tải nước thải từ trạm bơm Lý Chiêu Hoàng (quận 6) về nhà máy xử lý nước thải tại Bình Hưng Hòa dài khoảng 7,6 km, xây dựng tuyến cống chuyển tải từ trạm bơm Tây Sài Gòn (quận Tân Phú) về nhà máy xử lý dài 3,5 km và xây trạm bơm nước thải Tây Sài Gòn công suất bơm gần 220.000 m3/ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc gom chung 3 nhà máy thành một nhà máy quy mô lớn sẽ có hiệu quả hơn về chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư và quản lý khai thác.

Với phương thức đầu tư BLT, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn đầu tư các dự án và thu hồi vốn trong khoảng 30 năm qua việc thu phí nước thải, giá dịch vụ thoát nước. Hiện TPHCM đang xây dựng quy định về giá dịch vụ thoát nước và dự kiến sẽ ban hành trong một vài năm tới. Việc thu phí dịch vụ thoát nước được cho là sẽ thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, giảm gánh nặng ngân sách thành phố.

Theo kế hoạch từ nay đến 2020, thành phố cần xây 7 nhà máy xử lý nước thải, trong đó có 3 nhà máy đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, đang vận hành gồm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bình Hưng và Tham Lương – Bến Cát; còn lại là 4 dự án Tân Hóa – Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bình Tân và Bắc Sài Gòn.

Văn Nam

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.