|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận sụt giảm 60%: Phần nổi của tảng băng thách thức của Samsung

18:57 | 06/04/2019
Chia sẻ
Lợi nhuận sụt giảm của Samsung Electronics đã phơi bày ra một loạt thách thức đang đe dọa phế truất hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, theo Nikkei Asian Review.
Lợi nhuận sụt giảm 60%: Phần nổi của tảng băng thách thức của Samsung - Ảnh 1.

Lợi nhuận trong quí đầu tiên của năm nay đã phơi bày những thách thức nghiêm trọng của Samsung.

Tập đoàn Hàn Quốc này hôm qua (ngày 5/4) cho biết lợi nhuận hoạt động của họ đã giảm hơn 60% trong quí đầu tiên của năm do giá tấm hiển thị và chip bộ nhớ giảm.

Biên lợi nhuận vẫn cao, nhưng ba yếu tố chính có thể cản trở khả năng phục hồi của công ty, gồm tập trung quá mức vào chất lượng và các tính năng phức tạp, chi phí cao và sự vắng mặt của một nhà lãnh đạo.

Chiếc Galaxy Fold sắp ra mắt của Samsung là biểu tưởng của ám ảnh của hãng sản xuất điện thoại thông minh này với công nghệ mới nhất và tuyệt vời nhất. Chiếc điện thoại này, sẽ được bán ra thị trường vào tháng 4 này và chứa màn hình OLED có thể gập lại, có mức giá 2.000 USD - ngoài tầm với của đại bộ phận người tiêu dùng.

Samsung không chỉ dành tài nguyên cho một chiếc điện thoại dường như bị giới hạn trong một phân khúc thị trường mà hãng còn khăng khăng cho màn hình gập vào trong.

Huawei, đối thủ Trung Quốc của Samsung, đang theo sát phía sau với chiếc điện thoại màn hình gập của chính họ. Chiếc điện thoại này sẽ được ra mắt vào tháng 6 và màn hình của nó gập ra ngoài - một quyết định thiết kế mà nhiều người cho là kém lí tưởng nhưng về mặt kĩ thuật, nó dễ thành công hơn.

Quyết tâm nhắm đến mục tiêu lớn của Samsung được xem là một lí do khiến thị phần của hãng nhanh chóng giảm sút tại Trung Quốc. Samsung từng là hãng sản xuất điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc năm 2013 với 20% thị phần, tuy nhiên, con số trên đã giảm xuống còn 1% vào năm 2018.

Các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc như Xiaomi và Oppo đã có được chỗ đứng bằng cách tung ra những chiếc điện thoại giá rẻ với các tính năng hấp dẫn, chẳng hạn như camera tốt.

Cơ cấu chi phí cao của Samsung, trong đó có mức lương cao, đã đặt ra một trở ngại khác.

Người Hàn Quốc muốn có công việc đảm bảo trong một nền kinh tế bất ổn. Vì vậy, những người được nhận vào Samsung vẫn trụ lại. Thời hạn làm việc trung bình của Samsung đã tăng từ 7,8 năm trong năm 2010 lên 11,5 năm trong năm 2018. Kết quả là, mức lương trung bình hàng năm đã tăng từ 60.000 USD năm 2009 lên khoảng 90.000 USD vào năm ngoái, vì nhân viên làm càng lâu, càng có nhiều kinh nghiệm thì đòi hỏi mức lương càng cao.

Trong khi đó, Xiaomi trả trung bình dưới 45.000 USD cho mỗi nhân viên mỗi năm. Khoảng thời gian mà khả năng cạnh tranh về chi phí thúc đẩy sự tăng trưởng của Samsung đã không còn.

Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-hee, cũng là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của hãng sản xuất điện thoại này. Được biết đến như một người ra quyết định táo bạo về các vấn đề như đầu tư vốn, phương châm của ông Lee là "thay đổi mọi thứ trừ vợ con".

Tuy nhiên, ông Lee đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn 4 năm do sức khỏe yếu. Con trai cả của ông và cũng là người kế nhiệm, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, đang phải đối mặt với cáo buộc hối lộ.

Khi ông Lee Jae-yong bị bắt vào tháng 2/2017, đa số cho rằng ông Lee Kun-hee đã xây dựng nên một Samsung quá hùng mạnh tới mức không có gì phải lo lắng trong ít nhất ba năm. Tuy nhiên, sự lạc quan đó đã không tồn tại lâu.

Doanh thu của Samsung đã giảm 14% trong quí đầu tiên của năm 2019, báo hiệu rằng họ đã không thể tận dụng tối đa danh mục kinh doanh cân bằng của công ty, gồm chất bán dẫn, điện thoại thông minh và màn hình.

Lợi nhuận sụt giảm 60%: Phần nổi của tảng băng thách thức của Samsung - Ảnh 2.

Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của Samsung kể từ năm 2009.

Trong quá khứ, các hoạt động kinh doanh này đã hỗ trợ cho nhau và hình thành cỗ máy kiếm tiền mạnh mẽ cho Samsung.

Lợi nhuận trong phân khúc chất bán dẫn đã giảm một nửa, trong khi hoạt động kinh doanh tấm màn hình - gồm màn hình điện phát quang tinh thể lỏng và hữu cơ - được dự đoán sẽ ở mức âm hoặc giỏi lắm là hòa vốn.

Có hi vọng rằng việc tung ra dịch vụ mạng không dây thế hệ thứ năm (5G) tại Mỹ và Hàn Quốc sẽ cung cấp một làn gió mới. Tuy nhiên, Samsung đang cố gắng để bắt được làn gió đó bằng một chiến lược khác với đối thủ Apple.

Samsung đang tập trung vào sản xuất còn Apple lại tăng cường các dịch vụ như phân phối video.

Câu hỏi được đặt ra là liệu cách tiếp cận của Samsung có đủ để xóa bỏ ba thách thức hiển hiện  sừng sững trước mắt hay không.

Trần Nam Thi