|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị 5G nóng lên từng ngày

07:29 | 15/03/2019
Chia sẻ
Vốn được xem là một trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0, thế hệ thứ năm của công nghệ mạng di động (viết tắt là 5G) dự kiến sẽ bùng nổ vào năm 2020.
Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị 5G nóng lên từng ngày - Ảnh 1.

Công nghệ 5G được giới thiệu tại Hội chợ công nghệ cao Trung Quốc lần thứ 19 ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. THX/TTXVN

Theo thống kê của hãng công nghệ Qualcomm (Mỹ), trên thế giới hiện có hơn 18 mạng 5G đã triển khai với hơn 20 nhà cung cấp các thiết bị khác nhau. Hiện cũng có 134 mạng thử nghiệm 5G tại 62 quốc gia trên toàn cầu.

Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị 5G cũng đang nóng lên từng ngày với sự cạnh tranh khốc liệt của các tập đoàn công nghệ tên tuổi như Qualcomm, Intel (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển) hay Huawei (Trung Quốc)...

Mạng 5G được thế giới đánh giá sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định cho thiết bị di động, xóa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối Internet vạn vật.

Với ưu thế vượt trội về tốc độ truyền dữ liệu (nhanh hơn khoảng 100 lần so với 4G), mạng 5G sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ phương tiện tự lái đến chơi game.

Trong khi 4G được biết đến chủ yếu để phục vụ điện thoại thông minh, 5G có thể được ứng dụng trong phạm vi rộng hơn. Hệ sinh thái 5G sẽ bao gồm các nhà sản xuất hạ tầng mạng, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng khác.

Báo cáo của nhà cung cấp dịch vụ thông tin toàn cầu có trụ sở tại London (Anh) IHS Markit dự đoán rằng 5G sẽ góp phần tạo ra 12,3 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2035, thúc đẩy các lĩnh vực mới như thành phố thông minh và nông nghiệp thông minh, đồng thời thông qua quá trình số hóa các ngành nghề để tạo tác động lan tỏa tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Internet tốc độ cao được mô tả là trụ cột của nền kinh tế hiện đại và 5G là một phần quan trọng trong đó.

Nhiều chính phủ coi công nghệ 5G là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Theo dự báo, tới năm 2020, toàn thế giới sẽ đầu tư khoảng 1,5 nghìn tỷ USD cho công nghệ này.

Ấn tượng là thế, nhưng việc ứng dụng công nghệ mới này cũng đối mặt không ít rủi ro.

Một khi công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới liên lạc của mỗi quốc gia, và khi con người, máy móc, thiết bị..., tức là tất cả mọi thứ đều được kết nối qua mạng 5G, thì mọi hoạt động trong xã hội cũng chịu sự chi phối của công nghệ này. Theo giới chuyên gia, trong một xã hội "siêu kết nối" như vậy, một mối đe dọa đối với bất cứ lĩnh vực nào trong mạng lưới này cũng sẽ đe dọa toàn bộ mạng lưới.

Nói cách khác, tính phụ thuộc vào 5G càng cao thì rủi ro càng lớn, bởi bất kỳ sự cố nào, dù vô tình hay cố ý, đều có thể gây ra thảm họa ở một quy mô lớn hơn nhiều. Nếu xảy ra gián đoạn đường truyền, hậu quả sẽ vô cùng lớn cả về an toàn lẫn hoạt động kinh tế. Cụ thể, một thất bại trong điều dẫn hoạt động từ xa có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân đang phẫu thuật, hoặc xe tự lái gây tai nạn, hay rò rỉ thông tin mật khiến an ninh quốc gia bị đặt vào tình huống nguy cấp...

Với mạng 5G, kho dữ liệu mà tin tặc có thể xâm nhập lớn hơn nhiều. Khi tất cả các thiết bị được kết nối thì các cuộc tấn công mạng cũng có cơ hội gia tăng. Đặc biệt, khi mạng 5G kiểm soát các dịch vụ trọng yếu và cơ sở hạ tầng quốc tế, nguy cơ đối với an ninh là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lorraine/INRIA (Pháp) và Đại học Dundee (Scotland) cho thấy vẫn tồn tại những "lỗ hổng bảo mật" trong mạng 5G, khiến tội phạm có thể chặn 5G và truy cập lấy cắp dữ liệu. Bản thân cấu trúc của mạng 5G cũng khiến việc bảo vệ hệ thống khó khăn hơn. Trong khi đó, những biện pháp an ninh hiện có chưa đủ và chưa hoàn chỉnh để có thể ngăn chặn những nguy cơ như vậy.

Cơ quan An ninh mạng châu Âu (ENISA) cũng cảnh báo mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ kéo theo nguy cơ rất cao về an ninh mạng. Theo Giám đốc điều hành ENISA Steve Purser, các thỏa thuận về thông tin vô tuyến hiện nay được xây dựng không dựa trên một tầm nhìn về an ninh, điều này làm cho việc đảm bảo an toàn trở nên gần như bất khả thi.

Hiện tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei được xem là "nhà vô địch" trong cuộc đua 5G ở nhiều phương diện từ chip băng tần (modem) 5G đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cả 2 kiến trúc mạng 5G là NSA và SA có tên Balong 5000 cho đến các thiết bị cho hạ tầng mạng 5G.

Huawei đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức cho công tác nghiên cứu 5G và mua lại các bằng sáng chế quan trọng để phát triển công nghệ này. Nhiều nhà phân tích cho rằng Huawei đã xây dựng được một vị thế dẫn trước vững chắc về công nghệ 5G đến nỗi thiết bị Huawei trở nên gần như không thể thay thế đối với nhiều nhà mạng viễn thông.

Hiện Huawei đã ký 30 hợp đồng lớn cung cấp dịch vụ 5G và đang làm việc với hơn 50 đối tác nữa. Trong khi đó, các đối thủ khác cũng đang tăng tốc trong cuộc đua này. Tập đoàn Sumsung của Hàn Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 kiểm soát 20% mạng 5G toàn cầu.

Những mối lo ngại về an ninh cũng khiến một loạt quốc gia khác như Australia, Canada New Zealand và nhiều nước châu Âu ngăn chặn "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei "đặt chân" vào các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh quốc gia.

Trong khi đó, một số quốc gia đã tìm những giải pháp tăng cường an ninh mạng để có thể triển khai mạng 5G an toàn và hiệu quả. Đức tuyên bố sẽ thiết lập tiêu chuẩn bảo mật riêng cho mạng không dây thế hệ mới 5G. EU cũng đang xem xét đưa ra những nguyên tắc nhằm bắt buộc các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và dịch vụ 5G phải tôn trọng các biện pháp an ninh.

Có thể nói việc triển khai mạng 5G với những lợi ích không thể phủ nhận đang là xu thế toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề là chiến lược phát triển mạng 5G phải đi kèm với những biện pháp tổng thể và đồng bộ để bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin.


Thanh Phương