Lợi nhuận quý II giảm 38%, công ty lớn thứ ba thế giới vẫn chia cổ tức gần 20 tỷ USD
Chia cổ tức gần 20 tỷ USD
Trong hơn một năm qua, giá năng lượng tăng cao đã bóp nghẹt ví tiền của người tiêu dùng toàn cầu, nhưng lại mang đến những khoản lợi nhuận béo bở cho các công ty dầu khí, bao gồm ông lớn Aramco của nhà nước Arab Saudi.
Năm ngoái, Aramco đã thu về khoản lãi 161 tỷ USD, mức cao nhất từng được ghi nhận bởi một công ty năng lượng, theo Fortune.
Tuy nhiên, vào đầu tuần này, Aramco cho biết trong quý II năm nay, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 38% so với cùng kỳ xuống còn 113 tỷ riyal (tương đương 30 tỷ USD).
Với mức định giá hơn 2.100 tỷ USD, Aramco là công ty đại chúng giá trị nhất thế giới chỉ sau hai gã khổng lồ ngành công nghệ Mỹ là Apple và Microsoft.
Aramco, gần đây xếp thứ hai trong danh sách Fortune Global 500, cho biết việc giá dầu hạ nhiệt và biên lợi nhuận của mảng lọc dầu và hoá chất thu hẹp là nguyên nhân khiến lãi ròng sụt giảm.
Mặc dù lợi nhuận suy giảm, Aramco cho biết họ sẽ chi 19,5 tỷ USD để chia cổ tức trong quý II. Tiền sẽ đến tay các cổ đông vào quý III năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, Aramco đã chi khoảng 18,8 tỷ USD để trả cổ tức.
Ông lớn ngành năng lượng này còn cho biết thêm rằng các cổ đông cũng sẽ nhận được 19,5 tỷ USD tiền chia cổ tức trong quý I - tức là những người đầu tư vào Aramco sẽ nhận được khoản thanh toán 39 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tăng từ mức 37,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Từ quý III trở đi, Aramco thông báo họ sẽ bắt đầu trả cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh. Kế hoạch này sẽ diễn ra trong 6 quý liên tiếp và khởi đầu với khoản thanh toán 9,87 tỷ USD. Aramco nhận định chính sách trả cổ tức của mình là “bền vững và tăng tiến”.
“Kết quả khả quan của quý II phản ánh năng lực hoạt động bền bỉ và khả năng thích ứng của chúng tôi qua các chu kỳ thị trường”, CEO Amin Nasser của Aramco nhấn mạnh.
Nhà nước Arab Saudi là cổ đông lớn nhất của Aramco. Chính quyền Riyadh trực tiếp sở hữu hơn 90% cổ phần của công ty, trong khi quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund và công ty con nắm hơn 8% khác, theo Reuters.
Giai đoạn hỗn loạn
Aramco không phải là gã khổng lồ năng lượng duy nhất tăng chia cổ tức trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm. Hai ông lớn Shell và BP của Anh cũng có động thái tương tự, Fortune cho hay.
Nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây vào ngành công nghiệp năng lượng của Nga, cùng thái độ tẩy chay dầu Nga của một số nước tiêu thụ lớn, đã làm rung chuyển thị trường. Giá dầu do đó từng tăng chóng mặt.
Các đại gia dầu mỏ đã báo lãi kỷ lục vào năm ngoái, nhưng gần đây doanh thu đã sụt giảm đáng kể do giá năng lượng hạ nhiệt.
Ghi nhận trên oilprice.com vào lúc 15h ngày 8/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang ở quanh mức 84,7 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đạt khoảng 81,3 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã phục hồi trong những tuần gần đây sau khi tụt xuống dưới 72 USD/thùng, dù vậy vẫn còn cách xa ngưỡng 100 USD/thùng xác lập vào giữa năm 2022.
Bà Quincy Krosby, chiến lược gia cấp cao tại LPL Financial, cho biết Aramco đã không sai khi dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ khởi sắc trong tương lai.
“Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương sắp hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất, và đồng USD yếu hơn, triển vọng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng là sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc hơn cho giá dầu”, bà nói.
“Do nguồn cung bị siết chặt, giá dầu đã bắt đầu tăng trở lại...có thể giá sẽ tăng cao hơn vào cuối năm khi các động lực trên thị trường và nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi.
Arab Saudi, lãnh đạo của liên minh OPEC+, đã phát tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục điều chỉnh sản lượng để ‘ổn định’ giá nhưng rõ ràng là họ muốn kéo giá lên 90 USD/thùng”, vị chuyên gia chia sẻ thêm.